FSB cảnh báo về “lỗ hổng” của các quỹ đầu tư trong đại dịch COVID-19

19:21' - 14/04/2020
BNEWS FSB cho biết mặc dù làn sóng biến động ban đầu đã suy giảm, thị trường tài chính thế giới vẫn trong tình trạng căng thẳng, một số trường hợp còn gặp tình trạng thanh khoản yếu.

Ngày 14/4, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), tổ chức giám sát tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhận định các công ty tài chính phi ngân hàng như các quỹ đầu tư đã bộc lộ những lỗ hổng trong cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cho rằng để giúp các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, những lỗ hổng này sẽ cần phải được khắc phục.

FSB cho biết mặc dù làn sóng biến động ban đầu đã suy giảm, thị trường tài chính thế giới vẫn trong tình trạng căng thẳng, một số trường hợp còn gặp tình trạng thanh khoản yếu.

Chủ tịch FSB Randal Quarles nhấn mạnh tác động của đại dịch đối với các thị trường tín dụng và quỹ đầu tư đã cho thấy rõ các lỗ hổng rủi ro tiềm ẩn, đặt ra yêu cầu cần đánh giá rõ ràng những rủi ro này để đưa ra các chính sách tác động phù hợp.

FSB cho hay tổ chức này đã thành lập một nhóm để điều chỉnh quy định đối với hoạt động của các quỹ đầu tư và thị trường tín dụng phi ngân hàng - khu vực vốn luôn là vấn đề gây xung đột giữa các cơ quan quản lý thị trường và ngân hàng trung ương về việc nên điều tiết ở mức độ nào.

Ông Quarles, người cũng giữ chức Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phụ trách giám sát ngân hàng, cho biết các thành viên FSB đã tham gia trao đổi thông tin hàng ngày, chuyên sâu để điều phối các phản ứng quốc gia.

Các cơ quan quản lý đã chịu áp lực nặng nề từ các ngân hàng để nới lỏng quy định về vốn dự phòng rủi ro và nợ xấu, trong bối cảnh các doanh nghiệp phải vận lộn để duy trì hoạt động trong thời gian chính quyền phong tỏa các thành phố do dịch bệnh.

Ông Quarles cho biết FSB đã hướng dẫn cách nước thành viên G20 sử dụng tính linh hoạt hiện có trong các quy tắc toàn cầu mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn chung.

Bên cạnh đó, tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng dẫn đến những đồn đoán rằng các cơ quan quản lý sẽ phải đẩy lùi thời hạn được xác định trước đó là cuối năm 2021 để chấm dứt việc sử dụng tiêu chuẩn lãi suất Libor (lãi suất liên ngân hàng Anh). Nhiều ngân hàng đã bị phạt hàng tỷ USD vì cố thao túng lãi suất này.

Lãi suất Libor được sử dụng trong các hợp đồng như các khoản vay mua nhà và thẻ tín dụng, với tổng trị giá khoảng 400.000 tỷ USD trên toàn cầu. Việc kết thúc sử dụng lãi suất Libor là một trong những thách thức lớn nhất mà các thị trường phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục