Để gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đến với người thụ hưởng nhanh nhất

09:44' - 11/09/2021
BNEWS Đắk Lắk đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ để gói hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng theo phương châm "hồ sơ đến đâu, giải quyết đến đấy".

Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 được đánh giá là quyết sách kịp thời, hợp lý, hợp lòng dân trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.

Tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết nhằm đưa chính sách vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng theo phương châm "hồ sơ đến đâu, giải quyết đến đấy".

* Tích cực triển khai

Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt 3 chính sách gồm: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch.

Đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, trên địa bàn tỉnh đã có 26 diễn viên hạng IV và 40 hướng dẫn viên du lịch được UBND tỉnh phê duyệt, nhận hỗ trợ.

Anh Y Kathin HĐớk (buôn Ko Siêr, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột) là diễn viên hạng IV công tác tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã 10 năm nay. Thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, hàng ngày anh Y Kathin HĐớk lên cơ quan tập luyện và đi biểu diễn với anh chị em trong đoàn; mỗi tháng thu nhập khoảng 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là ở đợt bùng phát lần thứ 4 này, anh Y Kathin HĐớk bị gián đoạn công việc đã nhiều tháng nay. Vợ anh làm nhân viên pha chế cũng bị thất nghiệp do dịch.

Nhận được 3.710.000 đồng tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68, anh Y Kathin HĐớk chia sẻ, bản thân rất vui và cảm động, số tiền là nguồn động viên rất lớn, giúp gia đình anh trang trải phần nào chi phí sinh hoạt trong giai đoạn khó khăn này.

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, trong ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh có khoảng 140 người được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68.

Sở đã thông tin về nghị quyết đến các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành và cập nhật, trình hồ sơ liên tục lên UBND tỉnh nhằm giải quyết nhanh chế độ cho đối tượng thụ hưởng.

Khi có vướng mắc, Sở trao đổi với các cơ quan chuyên môn để kịp thời tháo gỡ. Quan điểm của Sở là không bỏ sót bất kỳ ai và cố gắng để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng trong thời điểm khó khăn này, để phát huy được ý nghĩa, tính nhân văn sâu sắc của nghị quyết.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng là đơn vị tích cực triển khai Nghị quyết 68 để tiếp sức cho người lao động và người sử dụng lao động. Đơn vị đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 2.973 đơn vị, doanh nghiệp với 43.954 lao động, số tiền giảm hơn 13 tỷ đồng; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 4 đơn vị, doanh nghiệp với số tiền gần 795 triệu đồng.

Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng là đầu mối xác nhận cho người sử dụng lao động và người lao động dừng việc do dịch hoặc dừng đóng bảo hiểm xã hội nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp để được hỗ trợ từ Nghị quyết 68.

Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc triển khai Nghị quyết 68 thuận lợi vì thủ tục hành chính thông thoáng, ngành bảo hiểm xã hội đã có hệ thống dữ liệu chung toàn quốc.

Ngoài ra, việc cài đặt và giao dịch trực tuyến từ ứng dụng VssID của ngành trên thiết bị di động giúp người dân giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội thuận tiện, vừa biết quy trình đóng bảo hiểm, vừa biết quá trình thụ hưởng chính sách; cơ quan bảo hiểm xã hội cũng thuận tiện trả lời, giải quyết hồ sơ cho người dân.

Ông Nguyễn Khắc Tuấn cũng cho biết, hồ sơ gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội, đơn vị sẽ xác nhận trong 1 tiếng đồng hồ sau đó để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động được thụ hưởng chính sách.

Là đơn vị thụ hưởng Nghị quyết 68, Công ty Điện lực Đắk Lắk được giảm gần 554 triệu đồng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã giảm mức đóng bảo hiểm từ 5% xuống còn 0%/tháng cho người lao động từ tháng 7/2021 – 6/2022.

Có thể nói, Nghị quyết 68 là sự quan tâm kịp thời, đúng lúc của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động, mang lại động lực để công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

* Hồ sơ đến đâu, giải quyết đến đấy

Là tỉnh có địa bàn rộng, số lao động từ các tỉnh/thành phía Nam về địa phương đông nên việc thực hiện Nghị quyết 68 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk gặp một số khó khăn trong công tác rà soát, đối chiếu, thống kê một số nhóm đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề đã dừng hoạt động nên việc phối hợp với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động để xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động gặp khó khăn, do đó chưa có cơ sở đào tạo nghề nào đề nghị hỗ trợ.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk được UBND tỉnh giao thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trung tâm đã thông báo, hướng dẫn quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và website, trang mạng xã hội của Trung tâm cũng như gửi đến UBND cấp huyện để phổ biến cho người dân.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Cường, vừa qua, do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80.000 công dân từ các tỉnh, thành phía Nam về lại nơi cư trú.

Các đối tượng này nếu không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Song theo quy định, người lao động phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng Nghị quyết 68 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thành nơi người lao động chấm dứt hợp đồng.

Hiện nay, trung tâm đã tham mưu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ban hành công văn chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát số lượng người lao động từ tỉnh, thành phía Nam về mà không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp để trung tâm tư vấn kịp thời cho người lao động được hưởng Nghị quyết 68.

Mặt khác, trung tâm đã tham mưu Sở đề xuất cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam về làm hồ sơ hưởng Nghị quyết 68 tại Đắk Lắk.

Tính đến ngày 8/9, tỉnh Đắk Lắk có 6.500 đối tượng là trẻ em và người đang điều trị COVID-19 hoặc cách ly y tế được hưởng lợi từ Nghị quyết 68, với 7,28 tỷ đồng; 4 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với số tiền gần 576 triệu đồng; 214 lao động không có giao kết hợp đồng được phê duyệt hỗ trợ 294,6 triệu đồng.

Ngoài ra, các địa phương đã nhận được hồ sơ đề nghị, đang thẩm định để hỗ trợ cho 499 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không lương và 212 hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên, 4.594 lao động tự do.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động biết đến Nghị quyết 68, từ đó nhanh chóng thiết lập hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ; rà soát, thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để doanh nghiệp, người lao động sớm tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68, tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tỉnh chủ trương "hồ sơ tiếp nhận đến đâu giải quyết đến đấy, không chờ đợi". Người dân có thắc mắc về Nghị quyết 68 thì liên hệ đường dây nóng 0825850494 của Sở để được giải đáp.

Nghị quyết 68 là quyết sách nhân văn của Chính phủ để tiếp sức cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh khó khăn chung do dịch. Quyết sách sẽ ý nghĩa, nhân văn hơn khi số tiền hỗ trợ được đến tay người thụ hưởng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đời sống khó khăn như hiện nay.

Để Nghị quyết 68 đến đúng đối tượng thụ hưởng và đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, tỉnh Đắk Lắk kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như vai trò giám sát của Mặt trận các cấp và cộng đồng dân cư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục