Để học sinh thực sự “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”

18:04' - 23/02/2021
BNEWS Việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp tất yếu giúp học sinh không “quên” kiến thức và duy trì nền nếp học tập khi tạm dừng đến trường để chống dịch COVID-19.

Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch thì việc triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp tất yếu của các nhà trường nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức và duy trì nền nếp học tập.

Tuy nhiên, việc triển khai các hình thức học tập cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi để tránh tạo áp lực cho học sinh cũng như đảm bảo chất lượng học tập hiệu quả.

*Giải pháp tình thế

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch để kịp thời có kịch bản dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá phù hợp.

Đánh giá cao sự chủ động của địa phương, cơ sở giáo dục trong việc nhanh chóng đưa ra những quyết định về dạy và học nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Các đơn vị chuyên môn cần chủ động xây dựng phương án để dù tình huống nào cũng có thể thực hiện được ngay, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng...

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các đơn vị tích cực hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư Quy định quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; làm việc với các đối tác doanh nghiệp, nhà mạng đã ký kết hợp tác với Bộ để hỗ trợ hạ tầng, đường truyền, băng thông… phục vụ cho hoạt động dạy và học.

Đồng thời, các đơn vị có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh các địa bàn khó khăn, không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

Trên cơ sở kế thừa tối đa hệ thống bài giảng điện tử hiện có, Bộ trưởng cũng chỉ đạo huy động giáo viên từ các địa phương thực hiện các bài giảng có chất lượng, từng bước hoàn thiện kho học liệu số với đầy đủ các môn học ở bậc phổ thông.

Theo Bộ trưởng, cần xây dựng những bài giảng mẫu, đăng phát phù hợp với những bậc học, lớp học “khó”, từng lứa tuổi như mầm non hay lớp 1, lớp 2.

Để giúp giáo viên có được các kỹ năng cần thiết, hiểu được quy trình, trình tự giảng dạy trong môi trường số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao các đơn vị chuyên môn xây dựng cẩm nang hướng dẫn cung cấp cho giáo viên.

Đối với học sinh, cần đảm bảo an toàn cho các em trong môi trường mạng, trong đó bao gồm an toàn sức khỏe và an toàn tâm lý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì dịch COVID-19; hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá thường xuyên trong giai đoạn học sinh phải học trực tuyến và xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức sau khi học sinh trở lại trường.

Với các văn bản hướng dẫn này, nhà trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, triển khai ngay dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến các nội dung phù hợp, cần tăng cường cho học sinh cuối cấp. Nội dung nào chưa cần ưu tiên thì để lại thực hiện sau khi học sinh trở lại trường.

Những bài học thực hành, thí nghiệm có thể thực hiện khi học sinh trở lại trường hoặc có thể khai thác nguồn video bài học thực hành, thí nghiệm trên mạng để dạy.

Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với học sinh từng cấp học; cách thức tổ chức linh hoạt phù hợp điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục, bảo đảm hiệu quả.

*Linh hoạt hình thức dạy học

Ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, một số tỉnh, thành phố đã kích hoạt hình thức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu trên những lớp học ảo qua các nền tảng công nghệ như Zoom, Microsoft, Teams…

Nhìn chung, giáo viên và học sinh đã quen với việc học trực tuyến nên không còn bị động và thực hiện khá nền nếp.

Hiện nay, để đảm bảo chất lượng học tập, nhiều nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, trong đó, phân chia thời gian học các môn để giảm áp lực cho học sinh. Cụ thể như, học sinh học trực tuyến qua internet các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ…

Một số môn Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc, giáo viên thực hiện video hướng dẫn nội dung bài học và gửi đường link cho phụ huynh hướng dẫn con tự học. Ở một số nơi điều kiện cơ sở vật chất chưa thể dạy học trực tuyến, các thầy cô giáo áp dụng hình thức gửi phiếu bài tập về nhà hoặc tổ chức dạy học trên truyền hình…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chủ trương dạy học trực tuyến trong điều kiện học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh là đúng.

Tuy nhiên, việc dạy trực tuyến phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh. Với những đối tượng mà yếu tố tâm, sinh lý không đáp ứng được, việc tổ chức dạy học trực tuyến có thể là "lợi bất cập hại".

Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam: Học trực tuyến đòi hỏi học sinh khả năng tập trung cao độ, xử lý thông tin liên tục. Các em vừa phải lắng nghe thầy cô giảng bài vừa thao tác trên thiết bị, điều khiển bàn phím, con chuột. Do đó, chỉ một số học sinh có nền nếp học tập tốt mới theo được, còn lại khó đáp ứng, dẫn đến nhiều em bị bỏ lại phía sau.

* Cần thêm  các hướng dẫn chi tiết phù hợp

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số giáo viên, phụ huynh, đối với bậc Tiểu học, đặc biệt là các lớp 1-2, học sinh còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn với hình thức học trực tuyến. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã quyết định dừng triển khai dạy học trực tuyến đối với học sinh khối 1-2 do không hiệu quả và gây khó khăn cho phụ huynh.

Đối với các khối lớp 3, 4, 5, việc học trực tuyến vẫn triển khai nhưng cũng chỉ ôn tập bài cũ.

Tại Hà Nội, nhiều trường triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 vào buổi tối để phụ huynh có thể đồng hành cùng thầy cô, hỗ trợ các con trong các buổi học.

Có nhiều trường vẫn thực hiện dạy trong giờ hành chính làm các phụ huynh rất bị động, cá biệt có phụ huynh phải xin nghỉ làm.

Không ít phụ huynh cũng chưa thành thạo về công nghệ thông tin nên cũng lúng túng khi tham gia học cùng con. Với nhóm đối tượng này, việc học trên truyền hình sẽ khả thi và thuận lợi hơn nhiều.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận xét, dạy và học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng trong bước đi ban đầu cũng còn nhiều thách thức.

Bởi hiện nay, 80% số gia đình nông thôn chưa có máy tính, tỷ lệ này ở thành phố là 49%.

Nhiều gia đình có các con học online cùng lúc, bố mẹ phải mua thêm 1-2 chiếc máy tính mới đáp ứng yêu cầu.

Kèm theo đó, mỗi con học online cần 1 phòng riêng, độc lập, cách âm trong khi một số gia đình chỉ có 1 phòng, các con học cùng nhau nên cũng bị ảnh hưởng, khó tập trung.

Đặc biệt, đối với cấp Tiểu học, học sinh rất cần giám sát, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình học online nhưng thời gian các con học, đa số bố mẹ đi làm nên gặp nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc học trực tuyến, các địa phương nên triển khai việc dạy học trên truyền hình.

Ông Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh: Mỗi hình thức dạy học đều có những điểm mạnh cũng như hạn chế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh không thể đến trường thì cần linh hoạt nhiều phương thức học tập để học sinh không bị giới hạn trong việc tiếp cận tri thức.

Mục tiêu xây dựng và phát triển năng lực tự học cho các em, chủ trương "ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học" là đúng và cần thiết nhưng để đạt hiệu quả, chất lượng, hạn chế các tác động "ngược chiều" trong bối cảnh kỹ năng thực hành an toàn công nghệ thông tin còn hạn chế thì cần thêm các  hướng dẫn cụ thể về liều lượng, mức độ áp dụng các hình thức dạy học phù hợp từng nhóm tuổi, điều kiện thực tế từng địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục