Đến tháng 1/2019, doanh nghiệp nhà nước sẽ được quản lý trực tuyến

15:13' - 14/12/2018
BNEWS Hệ thống này kết nối với các doanh nghiệp trực thuộc để Ủy ban theo dõi liên tục 24/24h hoạt động của doanh nghiệp này với các diễn biến về vốn, về sản xuất, năng suất lao động...
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trung Nguyên - TTXVN

Ngày 14/12, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ hơn với Ủy ban; 19 Tập đoàn/Tổng công ty phải báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh để được chỉ đạo và hỗ trợ, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thực hiện tốt việc kết nối điện tử với Ủy ban trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thông tin số liệu chính xác, đầy đủ và nhanh chóng, góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả giám sát, chỉ đạo theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong năm 2019, Ủy ban sẽ nâng cấp, bổ sung các chỉ số riêng cho từng ngành/lĩnh vực, đảm bảo cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên liên tục, giám sát đầy đủ hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng yêu cầu chậm nhất đến tháng 1/2019, phải đưa hệ thống quản lý trực tuyến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD vào sử dụng.

Hệ thống này kết nối với các doanh nghiệp trực thuộc để Ủy ban theo dõi liên tục 24/24h hoạt động của doanh nghiệp này với các diễn biến về vốn, về sản xuất, năng suất lao động, hàng vào hàng ra cũng như cả diễn biến về nhân sự, nộp thuế.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, chủ trì Hội thảo. Ảnh: Trung Nguyên-TTXVN

Thảo luận tại hội thảo, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc công ty Công nghệ thông tin (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, nếu không đi theo hướng phát triển công nghệ số, thì các tập đoàn, công ty sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không có điểm dừng, bất cứ sự chần chừ nào cũng có thể thành lỗi bước và tụt hậu trên thương trường.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến chia sẻ và đóng góp về định hướng phát triển công nghệ thông tin trong việc giám sát, quản trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đến từ đại diện các Tập đoàn lớn như FPT, Viettel...
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ, mới đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2018 với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là một nhiệm vụ lớn, bởi 19 Tập đoàn/Tổng công ty giao cho Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đều là những doanh nghiệp lớn và nòng cốt của nền kinh tế, với tổng tài sản hơn hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 100 tỷ USD, bằng tương ứng gần 42% giá trị GDP của nền kinh tế nước ta; trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm gần 50%, tương đương 50 tỷ USD.
Với quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo định hướng 4.0, Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số và phần mềm để giám sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp thường xuyên, bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực, có xem xét với tương quan ngành trong toàn thị trường.
Hiện nay, Ủy ban đang thử nghiệm kết nối bộ chỉ số chung với các doanh nghiệp. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ hệ thống mạng và phần mềm chuyên biệt phục vụ tổng hợp, phân tích và xử lý dữ liệu.
Doanh nghiệp và người dân có thể truy cập địa chỉ trang web Bộ phần mềm chỉ số: https://kpi.cmsc.gov.vn để tra cứu và theo dõi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục