Đề nghị tăng định mức chi phí quản lý các dự án truyền tải điện

11:45' - 23/09/2023
BNEWS SPMB kiến nghị EVNNPT báo cáo EVN và Bộ Xây dựng xem xét tăng định mức chi phí quản lý dự án để đủ nguồn kinh phí quản lý thực hiện dự án trong tình hình khó khăn như hiện nay.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) – thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), dù gặp nhiều khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng từ nay đến hết năm, đơn vị tập trung khởi công 4 dự án và đóng điện khoảng 7 dự án truyền tải điện. 

Cụ thể, ông Đặng Chiến Thắng, Phó Giám đốc SPMB cho biết, trong 8 tháng năm 2023, SPMB đã khởi công được 4 dự án gồm: Đường dây 220 kV nhà máy điện Nhơn Trạch 3 – Trạm biến áp 500 kV Long Thành; Trạm biến áp 220 kV Long Khánh và đấu nối; Trạm biến áp 220 kV Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 và đường dây đấu nối; Trạm biến áp 220 kV Khu công nghiệp Nhơn Trạch và đấu nối.

 
Từ nay đến cuối năm 2023, SPMB phấn đấu khởi công tiếp 4 dự án gồm: Trạm biến áp 220 kV Lai Uyên và đấu nối; Trạm biến áp 220 kV Gò Công và đường dây đấu nối Gò Công - Cần Đước; Đường dây 220 kV Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 – Trạm biến áp 500 kV Long Thành; Trạm biến áp 220 kV Châu Thành (An Giang) và đấu nối.

Về tiến độ đóng điện, trong 8 tháng, SPMB hoàn thành đóng điện 2 dự án gồm Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh và Trạm 220 kV Tân Biên. Từ nay đến cuối năm SPMB có thể hoàn thành đóng điện thêm 7 dự án.

Hiện SPMB đang quyết liệt bám sát địa phương để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp đẩy nhanh tiến độ, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để hoàn thành đóng điện theo kế hoạch. SPMB cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trình báo cáo nghiên cứu khả thi 16 dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật 8 dự án theo kế hoạch được giao.

Theo các mốc tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và thi công thực tế tại công trường, với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đóng điện được EVNNPT giao, dự kiến SPMB sẽ đạt 118,86% kế hoạch vốn giao đầu năm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị quản lý dự án có đủ nguồn lực thực hiện các bước thủ tục ngày càng nhiều và phức tạp, đặc biệt trong bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn hiện nay, SPMB kiến nghị EVNNPT báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Xây dựng xem xét tăng định mức chi phí quản lý dự án để đủ nguồn kinh phí quản lý thực hiện dự án trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Với một số dự án chậm triển khai do vướng mắc trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư/báo cáo tiền khả thi từ các cơ quan chức năng là 4 dự án và 1 dự án đề xuất nguồn vốn Tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo (REACH) nhằm mục tiêu nâng cao năng lực vận hành hệ thống và năng lực truyền tải, SPMB kiến nghị EVNNPT làm việc với các đơn vị có thẩm quyền liên quan, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư/Báo cáo tiền khả thi.

Tại buổi làm việc mới đây với SPMB, Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú yêu cầu SPMB cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương trong áp giá đền bù, bồi thường, chi trả tiền cho người dân ngay sau khi địa phương ban hành phương án đền bù tuân thủ các quy định pháp lý hiện hành và đẩy nhanh tiến độ các dự án của EVNNPT. Đặc biệt SPMB cần bám sát chính quyền địa phương để thống nhất mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Lãnh đạo EVNNPT cũng yêu cầu SPMB bám sát chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan để sớm thông qua thủ tục đầu tư các dự án. Trong thời gian qua, bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… chi phí đền bù rất cao nên cần tính toán tổng mức đầu tư phù hợp.

Đối với những dự án đi qua rừng cao su, cần tổng hợp phân tích báo cáo về những khó khăn vướng mắc để EVNNPT báo cáo EVN, các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực để cùng với SPMB tháo gỡ những vướng mắc.

Tổng giám đốc EVNNPT cũng yêu cầu SPMB lập kế hoạch năm 2024 sát với tình hình triển khai thực tế, đảm bảo khả năng triển khai thực hiện các dự án trong năm 2024./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục