Để "nhịp cầu" hòa bình giữa hai miền Triều Tiên có thể "hợp long"

11:45' - 26/04/2018
BNEWS Dư luận thế giới đang hướng về làng đình chiến Panmunjom, nơi vào sáng 27/4 sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 dự kiễn diễn ra ngày 27/4 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại làng đình chiến Panmunjom. Ành: AFP/TTXVN

Hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên hay bế tắc và đối đầu tiếp diễn?

Dư luận thế giới đang hướng về làng đình chiến Panmunjom trên biên giới liên Triều, nơi vào sáng 27/4 sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự kiện mà chỉ cách đây vài tháng những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới.

Dù việc lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trực tiếp gặp nhau không thể quyết định mọi chuyện liên quan vấn đề đã được coi là “hồ sơ nóng” của thế giới trong nhiều thập kỷ qua, song cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên sau 11 năm qua này vẫn được xem như một “cây cầu” không chỉ nối đôi bờ “dòng sông chia cắt” hai miền, mà còn có thể dẫn đến con đường dài phía trước hướng tới hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Những tín hiệu tích cực từ tất cả các bên sau khi hai miền đạt được thỏa thuận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27/4, cho thấy cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thể hiện thái độ nghiêm túc, thiện chí và quyết tâm biến cơ hội hiếm có này thành “cú hích” tạo bước ngoặt hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Mọi khâu chuẩn bị cho đến nay đã hoàn tất, từ chương trình nghị sự, thành phần tham gia, nghi lễ ngoại giao và lễ tân, việc đảm bảo an ninh, cung cấp thông tin cho báo chí và công luận....

Hai bên cũng đã thiết lập đường dây nóng và duy trì liên tục các cuộc trao đổi giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước trong những ngày gần đây.

Hàng loạt chuyến công du “con thoi” của các nhà ngoại giao và quan chức Hàn Quốc tới Mỹ, Nhật Bản…, hay của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc và giới chức Triều Tiên tới Nga … cho thấy cả Bình Nhưỡng và Seoul đều đã có những bước “dọn đường” hết sức kỹ lưỡng.

Sự phối hợp lập trường với các bên liên quan vốn có vai trò quan trọng trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng thể hiện rằng Triều Tiên và Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để tạo môi trường thuận lợi nhất cả ở bên trong lẫn bên ngoài trước cuộc gặp.

Đặc biệt, hai bên đều có các biện pháp gây dựng lòng tin và tránh gây căng thẳng. Mặc dù cuộc tập trận thường niên giữa quân đội Mỹ-Hàn đã diễn ra theo đúng kế hoạch, song thời gian, tính chất cũng như quy mô đều có điều chỉnh.

Thời gian tập trận đã được rút ngắn xuống còn 1 tháng và không có sự tham gia của các khí tài chiến lược của Mỹ, như siêu hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược hay tàu ngầm hạt nhân… Đây được nhìn nhận là nỗ lực tránh khiêu khích Triều Tiên và thể hiện thiện chí.

Về phần mình, Bình Nhưỡng tuyên bố ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, đóng cửa cơ sở thử hạt nhân tại Punggye-ri.

Việc Triều Tiên nhất trí đàm phán không kèm điều kiện tiên quyết là quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc cũng là điểm được phía Seoul đánh giá cao.

Nhằm tạo thêm bầu không khí hữu nghị trước thềm cuộc gặp lịch sử này, bên cạnh hoạt động của các nhà ngoại giao là các hoạt động giao lưu, văn hóa thể thao, thể hiện tình đoàn kết giữa nhân dân hai miền.

Những hoạt động ngoại giao nhân dân này đang tạo sự kết nối, gần gũi giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, càng làm cho lãnh đạo hai bên có thêm động lực để có những bước đi đáp ứng mong ước của người dân.

Với cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4, hai miền Triều Tiên đang có một cơ hội “thiên thời địa lợi, nhân hòa” để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là cuộc gặp "dẫn đường" cho hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc gặp không dễ dự báo, khi nội dung nghị sự hàng đầu sẽ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cách thức thực hiện điều này và những lợi ích mà chính quyền Bình Nhưỡng sẽ nhận được một khi chấp nhận phi hạt nhân hóa.

Đây đều là những vấn đề hóc búa, liên quan tới nhiều phía, do đó khó giải quyết được ngay trong một cuộc gặp thượng đỉnh.

Hàn Quốc đặt mục tiêu tập trung giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc ký kết một thỏa thuận hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và phát triển mối quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, những tính toán chiến lược của hai nhà lãnh đạo đặt lên bàn thương lượng được cho là không đồng nhất.

Những động thái thiện chí thể hiện sự chuyển hướng rõ rệt trong tiếp cận vấn đề phi hạt nhân hóa của chính quyền ông Kim Jong-un được thế giới hoan nghênh nhưng cũng kèm theo sự hoài nghi, bởi sự thay đổi lập trường nhanh chóng này trái ngược hoàn toàn chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã theo đuổi trong suốt 6 năm cầm quyền vừa qua.

Có ý kiến cho rằng Triều Tiên dường như đang chuyển hướng trọng tâm chính sách sang thúc đẩy nền kinh tế vốn ốm yếu do các lệnh trừng phát lại càng suy kiệt sau các biện pháp siết chặt nặng nề của quốc tế trong hơn 1 năm qua.

Ý kiến khác lại giải thích rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển đủ đến mức nước này không còn phải lo ngại về an ninh.

Và sau khi sở hữu vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, Triều Tiên đã có “quân át chủ bài” trong tay để đem ra mặc cả và có thể tự tin bước vào các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh lòng tin giữa các bên liên quan còn hết sức “mong manh”, dư luận thế giới hết sức thận trọng về khả năng đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này, nhất là khi Bình Nhưỡng luôn coi vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo then chốt cho Triều Tiên trong việc đối phó với các mối đe dọa.

Các vấn đề như điều kiện trao đổi giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ để đổi lấy phi hạt nhân hóa có được chấp nhận không, hay cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa, là “đồng bộ và theo từng giai đoạn” như đề xuất của Bình Nhưỡng, hay “hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược” như yêu cầu của Washington… đều là những vấn đề hết sức quan trọng và nhạy cảm trong thương lượng, đòi hỏi phải có sự thiện chí, chân thành, thực sự vì hòa bình, ổn định của khu vực mới giúp các bên đi tới nhượng bộ.

Hơn nữa, những rào cản địa chính trị từ bên ngoài có thể tác động đến quá trình đối thoại liên Triều. Tình hình bán đảo Triều Tiên trên thực tế liên quan tới lợi ích địa chiến lược và an ninh của nhiều bên, tác động tới sự ổn định của cả khu vực Đông Bắc Á.

Bán đảo Triều Tiên từ lâu trở thành một địa bàn để các cường quốc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực, đồng thời chịu sự chi phối từ lợi ích an ninh của các quốc gia có liên quan.

Chỉ có đối thoại giữa hai miền Triều Tiên thì không thể điều phối lợi ích và mối quan tâm của các bên liên quan, đồng nghĩa vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khó mà giải quyết, chưa nói tới chuyện thiết lập nền hòa bình tại đây.

Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này được dự báo sẽ giúp cải thiện đáng kể quan hệ hai miền, trở thành tiền đề quan trọng để hướng tới những mục tiêu xa hơn, đúng với ý nghĩa “tạo sự khởi đầu mới” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nêu ra.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên năm 2000, lãnh đạo hai miền cùng nhất trí "thống nhất trong hòa bình", mà kết quả trực tiếp của nó là đợt đoàn tụ gia đình ly tán đầu tiên cũng như thiết lập Khu công nghiệp chung Kaesong.

Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai năm 2007 cụ thể hóa hơn những cam kết đạt được năm 2000 thông qua hàng chục thỏa thuận hỗ trợ Triều Tiên phát triển kinh tế cũng như xúc tiến những bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt cơ chế đình chiến và thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi chuyện đã dừng lại khi vòng đàm phán 6 bên đổ vỡ năm 2008.

Cuộc gặp liên Triều lần thứ ba này đang được kỳ vọng sẽ trở thành “nhịp cầu chính” kết nối những nhịp cầu hòa giải đã được tạo dựng từ 2 cuộc gặp thượng đỉnh trước.

Với không khí tích cực hiện nay, dư luận hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được một thỏa thuận sơ bộ, mở đường cho các động thái tích cực tiếp theo.

Song để “hợp long” được “cây cầu” dẫn tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, con đường phía trước vẫn còn rất nhiều chông gai và không thể thiếu vai trò của các bên quan trọng liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục