Để thoát cảnh xuất khẩu “tầm gửi”

08:38' - 02/03/2019
BNEWS Xây dựng thương hiệu là "sống còn" với doanh nghiệp để có thể xác định chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước.

Công ty TNHH SKD Việt Nam chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí, đột dập, thiết kế và chế tạo các sản phẩm cơ khí chính xác...

Hàng hóa của công ty được rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước đặt mua bởi chất lượng, đảm bảo độ chính xác.

Thế nhưng, trên thị trường lại rất khó tìm được sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp này do đơn vị phải xuất bán qua một đơn vị khác.

Câu chuyện của SKD Việt Nam chỉ là ví dụ điển hình về những hạn chế trong xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt.
Lực bất tòng tâm

Sản phẩm chụp gió thải của Công ty SKD Việt Nam. Ảnh: Trang Vàng online

Từ nhiều năm nay, Công ty SKD Việt Nam liên tục quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội Facebook. Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty SKD, đây là kênh ít tốn kém nhất mà doanh nghiệp có thể triển khai quảng cáo.
“Chúng tôi nhận thức việc có thương hiệu là rất quan trọng để phát triển lâu dài và đi xa hơn. Nhưng là một doanh nghiệp nhỏ, doanh thu chỉ vài chục tỷ đồng, thì rất khó để đầu tư cho thương hiệu một cách bài bản", ông Kết bày tỏ.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại, doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, số vốn còn hạn chế.

Rất nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm chắc được các công cụ để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước. Trong khi đó, thương hiệu chính là một công cụ rất tốt giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
PGS. TS Thịnh cho biết, hiện nay không khó để nhận thấy những sản phẩm được bán ra mà không mang thương hiệu của nhà sản xuất, phải khoác "chiếc áo" của doanh nghiệp khác để xuất khẩu.

Cụ thể như các sản phẩm gạo, thủ công mỹ nghệ… đều là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, nhưng rất ít sản phẩm có thể ghi dấu ấn của doanh nghiệp Việt.
Dưới góc nhìn khác, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, chính sự sản xuất tự phát và cát cứ nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không thể có được tài chính mạnh, giúp phát triển công nghệ; nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho bản thân mình khi cạnh tranh quốc tế.

Họ chỉ có thể làm gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài và chưa thể tự chế tạo sản phẩm mang bản sắc và dấu ấn riêng biệt.
Song hành “hiệu – chất”

Thương hiệu thời trang của M2 được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Xây dựng được thương hiệu đã khó, nhưng để sử dụng hiệu quả và quản lý tốt thương hiệu còn gian nan hơn rất nhiều, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Giữa hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm trên thị trường, làm sao tạo ra được sự khác biệt và ghi đậm dấu ấn, để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn là câu hỏi đặt ra với mỗi doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm được xem như yếu tố sống còn với doanh nghiệp.

Nhìn nhãn hiệu để biết chất lượng là rất khó nên việc xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ luôn phải song hành với nhau.

Xây dựng thương hiệu phải đến từ việc mang lại chất lượng hoàn hảo nhất cho khách hàng. Ngược lại, có sản phẩm tốt mà không biết xây dựng thương hiệu thì cũng sẽ không thể thành công trên thương trường...
Để tạo dấu ấn không chỉ trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng người tiêu dùng.
Điển hình có thể kể đến các doanh nghiệp nhỏ như Công ty cổ phần M2 Việt Nam. Mặc dù chỉ là một doanh nghiệp cỡ vừa, song doanh nghiệp đã dám chi cả trăm tỷ đồng để đầu tư Nhà máy M2 Factory tại Hải Phòng (giai đoạn 1 sắp hoàn thành) để cho ra sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Theo ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần M2 Việt Nam, để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cũng thường xuyên xem xét lại năng lực của các nhà cung cấp; chọn nhà cung cấp có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, mức giá cạnh tranh.
Để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty SKD Việt Nam đề xuất, các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ trong quá trình xây dựng thương hiệu theo hướng đưa ra thêm những cơ chế, chính sách hiệu quả bảo vệ hàng hóa trong nước.

Đồng thời các ngành chức năng cũng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu; có những đề án tạo hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tốt hơn.
Năm 2018, Bộ Công Thương tổ chức bình chọn sản phẩm Thương hiệu quốc gia, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu.

Ngoài ra, mới đây Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng thương hiệu cho ngành hàng thực phẩm. Qua đó, tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Mặc dù việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng với sự đa dạng về sản phẩm Việt thì kết quả của việc đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa vẫn còn hạn chế. Vì thế, nhiều mặt hàng vẫn xuất khẩu theo kiểu “tầm gửi” nhờ tên tuổi của doanh nghiệp khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc cơ quan quản lý triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu, bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi mới công nghệ; tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp với từng phân khúc thị trường.

Điều này nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương hiệu sản phẩm, bởi đây là một trong những yếu tố quyết định vị thế của doanh nghiệp…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục