Xây dựng thương hiệu Việt bằng chất lượng sản phẩm

17:02' - 02/02/2019
BNEWS Doanh nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu nỗ lực xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm và đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Baseafood. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm được nuôi trồng, chế biến và sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài.

Đó chính là kết quả từ nỗ lực xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm và đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng của doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) - một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành chế biến hải sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sản phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như hàng xuất khẩu, muốn chiếm được niềm tin của khách hàng thì chất lượng phải luôn được bảo đảm.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đồng thời không ngừng nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng.

Thời gian qua, Baseafood tập trung nghiên cứu đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại, có khả năng bảo quản, chế biến các sản phẩm thủy sản cao cấp.

Công ty cũng đã xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Nhờ những giải pháp này, đến nay nhiều mặt hàng của công ty đạt doanh thu khá tại thị trường trong và ngoài nước, khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thêm, trong năm 2018, công ty xuất khẩu khoảng 5 nghìn tấn thủy sản, đạt kim ngạch khoảng 4 triệu USD, so với năm 2017 tăng từ 10 - 15%. Đây thực sự là một bước đi tốt để tạo tiền đề phát triển của công ty trong năm 2019.

Từ những hạt cà phê sạch được chọn lựa kỹ lưỡng tại những vườn cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP …, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nón Lá ở thôn Chu Hải, thị xã Phú Mỹ đã nghiên cứu, sản xuất cho ra thị trường những sản phẩm cà phê mang thương hiệu “Nón Lá” với hương vị riêng.

Hiện nay, Công ty có 5 sản phẩm gồm: cà phê hạt Robusta, Arabica; cà phê bột Robusta, Arabica và cà phê hòa tan 3 trong 1. Theo ông Trần Kim Khuê, phụ trách thị trường Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nón Lá, tuy mới có mặt tại thị trường không lâu, nhưng thương hiệu cà phê Nón Lá đã được người tiêu dùng đón nhận và tin dùng.

Theo ông Trần Kim Khuê, Mỹ không trồng cà phê nhưng lại trở thành nơi sản xuất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 6.000ha trồng cà phê, tập trung ở 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với chất lượng hạt cà phê được thị trường đánh giá cao.

Ông Khuê đã bắt tay xây dựng thương hiệu cà phê riêng của Bà Rịa -Vũng Tàu. Trước khi đưa sản phẩm cà phê Nón Lá ra thị trường, Công ty đã gửi mẫu nhờ các chuyên gia tại Mỹ đánh giá chất lượng và được đánh giá có hương vị không thua cà phê Stabucks của Mỹ. Đặc biệt, sản phẩm vẫn giữ được hương vị tự nhiên của hạt cà phê.

Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nón Lá đã mở chi nhánh tại thành phố Santa Rosa, Mỹ. Dự kiến cuối năm nay, Công ty sẽ chính thức cung cấp các loại cà phê mang thương hiệu Nón Lá tại thị trường này.

Một đơn vị khác cũng xây dựng hiệu quả thương hiệu cho sản phẩm, đó là Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây ở ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Tên tuổi của Hợp tác xã này nhiều năm qua gắn liền với sản phẩm tiêu đỏ, muối tiêu xanh chay, mắm tiêu xanh, được chế biến từ nguyên liệu tiêu Bàu Mây trồng ngay tại huyện Xuyên Mộc.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, Hợp tác xã hiện có hơn 30ha trồng tiêu, trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 200 tấn hạt tiêu đen, tiêu đỏ, các sản phẩm chế biến muối tiêu xanh và mắm tiêu xanh.

Bên cạnh đó, sản phẩm của hợp tác xã còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc khoảng 150 tấn, chủ yếu là tiêu đỏ.

Hiện nay, tiêu Bầu Mây đang được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Về lâu dài, với mục tiêu đưa thương hiệu tiêu Bầu Mây vươn xa trên thị trường quốc tế, hợp tác xã hướng đến sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, cơ hội để đưa sản phẩm sản xuất trong tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước không khó. Điều quan trọng là ngoài việc chăm chút cho sản phẩm đạt chất lượng cao thì việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cũng là những khâu rất quan trọng để sản phẩm của Bà Rịa – Vũng Tàu có thể vươn xa hơn nữa ra thị trường.

Từ thực tế này, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị kết nối giao thương để các nhà sản xuất trong tỉnh quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục