Đề xuất 3 nhóm động lực phát triển kinh tế cuối năm

14:01' - 06/10/2016
BNEWS Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 như Chính phủ đề ra, Tổng cục Thống kê đề xuất 3 nhóm động lực phát triển kinh tế những tháng cuối năm.
Ba nhóm động lực phát triển kinh tế cuối năm. Ảnh minh họa: TTXVN
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, động lực thứ nhất, Tổng cục Thống kê đề xuất là cộng đồng doanh nghiệp. Trong 9 tháng qua có trên 100.000 doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động; trong đó có trên 81.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 629.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số này có tới 78.000 doanh nghiệp thực tế đã đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng rất lớn.
Ông Lâm cho rằng, điều này cho thấy hiện nay môi trường kinh doanh tốt, thông thoáng nên các doanh nghiệp thành lập và hoạt động tăng… Vì thế, động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm chính là cộng đồng doanh nghiệp. Về phía mình, các doanh nghiệp cũng dự báo xu hướng kinh doanh trong thời gian tới sẽ có diễn biến tốt hơn.
Động lực thứ hai cho tăng trưởng thời gian tới là cần tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế; đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh thiên tai, ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn thời gian qua diễn ra rất nghiêm trọng. Đây không phải là hiện tượng nhất thời trong năm 2016 mà sẽ còn diễn ra trong nhiều năm tới.
Trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2016, mặc dù nông nghiệp có sự tăng trưởng trở lại, nhưng những năm trước đây tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản thường chiếm 18-19% GDP, năm nay với đà tăng trưởng chậm thì khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 15% GDP. "Vì vậy, việc tái cơ cấu khu vực này sẽ là điều kiện cần để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu cuối năm, giúp phát triển nền kinh tế”, ông Lâm khẳng định.
Động lực thứ ba là thúc đẩy tiêu thụ trong nước nhằm đảm bảo sự bền vững của tăng trưởng chung. Ông Lâm cho biết, trước đây Việt Nam tập trung nhiều về xuất khẩu với quan điểm xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng trong 3 năm trở lại đây cho thấy, tập trung vào thị trường trong nước mới đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. "Việt Nam với dân số đông, nếu đáp ứng đủ nhu cầu thị trường này thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng”, ông Lâm nhấn mạnh.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, mặc dù, mức tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay có thấp hơn so với năm trước, phản ánh nền kinh tế chưa có sự bứt phá nhưng về cơ bản vẫn duy trì được xu hướng liên tục tăng qua các quý.
Lý giải về việc GDP sụt giảm, một trong những nguyên nhân được Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đưa ra là những năm trước nông nghiệp đã “cứu giúp” cho nền kinh tế nhưng 9 tháng năm nay GDP chỉ tăng 5,93%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục