Đề xuất bố trí nguồn vốn nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

20:05' - 11/07/2022
BNEWS Chiều 11/7, Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Đức Vượng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 305 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động.

Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã là hơn 5.560 người. Doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 590 triệu đồng/hợp tác xã.

 

Ngoài chức năng cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ cho thành viên, hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc góp phần cải thiện đời sống tăng thu nhập cho thành viên; đồng thời gắn kết các thành viên hợp tác xã thành cộng đồng chặt chẽ toàn diện về mọi mặt, tạo sự ổn định xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Hà Nam đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn hỗ trợ phát triển còn ít hơn so với nhu cầu; thủ tục thanh quyết toán các chương trình hỗ trợ hợp tác xã còn rườm rà, phức tạp; chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp xã; một số cán bộ, người dân chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và xu thế phát triển của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nên chưa tích cực tham gia, xây dựng hợp tác xã…

Từ thực tế đó, tỉnh Hà Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất ban hành Thông tư hướng dẫn về đánh giá phân loại hợp tác xã để cơ quan quản lý nhà nước và hợp tác xã dễ thực hiện, đảm bảo tính thống nhất.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm bố trí nguồn vốn để các địa phương triển khai thực hiện, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tham gia triển khai thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương giai đoạn 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện đối với nội dung hỗ trợ cơ sở hạ tầng hợp tác xã theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Bà Chu Thị Vinh - Phó cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để phát huy những mặt đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã, Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp tỉnh, huyện của Hà Nam tiếp tục phát huy vai trò tiên phong dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị trí, bản chất tổ chức hoạt động của hợp tác xã; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về quản lý hợp tác xã; rà soát nhu cầu để hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng.

Hà Nam cần phát huy, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình điển hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, thành công, hiệu quả tại địa phương; khẩn trương triển khai đề án mô hình thí điểm hợp tác xã hoạt động hiệu quả giai đoạn 2 theo Quyết định 167.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung huy động nguồn lực, cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong dự án ngân sách nhà nước năm 2023 và nguồn vốn hợp pháp khác theo thẩm quyền để triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Đoàn công tác đã ghi nhận toàn bộ các kiến nghị, ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách, dự thảo Luật Hợp tác xã sớm nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục