Đề xuất cá nhân không sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng đất lúa​

17:39' - 03/11/2023
BNEWS Nhiều đại biểu quốc hội đề xuất phương án cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Hội trường, các đại biểu cho rằng, cần giới hạn quyền sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đề xuất phương án cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

*Giới hạn quyền sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp công lập

Tán thành với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), so với quy định của Luật Đất đai 2013, quy định của Dự thảo đã trao thêm quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, tạo cơ chế cho đơn vị sự nghiệp công lập khai thác hiệu quả hơn phần đất đang quản lý, tránh lãng phí trong việc sử dụng đất đai, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tháo gỡ, san sẻ những khó khăn trong việc tự chủ tài chính của mỗi đơn vị. Tuy nhiên, vẫn cần có những hạn chế nhất định trong việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này, không nên trao đầy đủ quyền như đối với tổ chức kinh tế.

Theo đại biểu, đơn vị sự nghiệp công lập là pháp nhân được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, theo quy định pháp luật, có chức năng cung cấp các dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. So với tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước trao quyền, có những chức năng nhiệm vụ đặc thù nên việc tạo cơ chế đánh đồng giữa tổ chức kinh tế với đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp. Là cơ quan của Nhà nước, nên việc tiếp cận các quỹ đất của đơn vị sự nghiệp công lập sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế. Vậy nếu đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất hằng năm cũng được trao quyền đầy đủ như tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả hằng năm sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho doanh nghiệp.

Đại biểu Nga phân tích, nếu trao quyền bán, quyền thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hằng năm tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro không bảo toàn đất Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập, bởi việc tách bạch sử dụng giữa đất và tài sản gắn liền với đất là rất khó. Đồng thời, theo quy định của pháp luật dân sự, khi phải xử lý tài sản đảm bảo gắn liền với đất thì đất sẽ được xử lý đồng bộ. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng đất Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được chuyển cho đơn vị khác ngoài Nhà nước quản lý, sử dụng.

Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, nếu áp dụng phương án 2 của dự thảo, trao quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất hằng năm được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê là tài sản do đơn vị sự nghiệp công lập tạo lập, khi luật được thông qua, quy định này sẽ không khả thi trên thực tế.

Bên cạnh đó, việc tìm bên mua tài sản đảm bảo nếu phải xử lý có thể không hề dễ dàng. Bởi khi tài sản đảm bảo được xử lý đồng bộ với đất thì bên mua tài sản đảm bảo nếu được tiếp tục cho thuê đất trả tiền hằng năm thì bên mua phải sử dụng đất đúng mục đích trước đó. Mà bên mua là một tổ chức ngoài nhà nước thì có phù hợp, có được hay không? Đối với quyền được phép bán tài sản gắn liền với đất do đơn vị sự nghiệp tạo ra, vậy có sự phân tách rõ ràng nguồn lực tạo ra tài sản là từ nguồn ngân sách hỗ trợ hay nguồn tự chủ của đơn vị nghiệp… Sẽ có rất nhiều vấn đề vướng mắc đặt ra nếu áp dụng theo phương án 2 của dự thảo.

Góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho biết, điểm C khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thuê đất của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư, Nhà nước phải thu hồi đất để cho thuê.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số dự án có mục tiêu hoạt động không thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội như quy định tại Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và Điều 79 dự thảo luật nên chính quyền địa phương không có cơ sở thu hồi đất để giao cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuê; đồng thời tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng không được trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, dẫn đến dự án bị bế tắc, cũng như tạo sự không thống nhất trong chính sách và thực thi pháp luật.

Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề xuất chọn phương án 2: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao hoặc trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị sửa đổi phạm vi dự án không chỉ của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, mà cả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư.

* Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa

Thảo luận về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa được quy định tại khoản 7 Điều 45 của dự thảo luật hiện thiết kế 3 phương án. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tán thành phương án 3 của dự thảo tại khoản 7 Điều 45 “Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho người thuộc hàng thừa kế) quá hạn mức quy định tại Điều 177 của Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định”.

Đại biểu cho rằng, việc cho phép cá nhân nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện để bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước.

Đồng tình với phương án này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị quy định cụ thể định mức đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đại biểu cho biết, qua thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn, do điều kiện đời sống gắn với nông thôn nên ngoài thời gian dạy học, mức lương có hạn nên phải canh tác thêm để đảm bảo cuộc sống, vì vậy, cần có những quy định phù hợp với thực tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng, phương án 3 dung hòa được cả 2 yếu tố, vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, một mặt vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương.

Về tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết khoản 6 Điều 45 dự thảo Luật quy định tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Và trong phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện được Kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đại biểu cho rằng việc tiếp thu như dự thảo Luật trình kỳ họp lần này là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, đối với quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tôi đề nghị bỏ điều kiện có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận; đề nghị sửa thành “phải có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật về đầu tư”; quy định rõ thủ tục này được thực hiện đồng thời với thủ tục phê duyệt chủ trương dự án đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục