Đề xuất chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới

19:52' - 11/11/2021
BNEWS Các ý kiến tập trung chất vấn về các chính sách và giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Bước sang ngày thứ hai chất vấn và trả lời chất vất tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11, Quốc hội dành trọn cả ngày để tiếp tục chất vấn về 3 lĩnh vực: Lao động- Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư.

*Chuyển đổi số mở ra những cơ hội mới nếu biết tận dụng

Đầu phiên họp sáng, tư lệnh ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục trả lời các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đã nêu ra trong ngày chất vấn đầu tiên với các giải pháp nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, thích ứng với công nghệ mới, hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao.

Cho rằng đang có một làn sóng kép người lao động về quê, chứ không phải chỉ có một làn sóng về quê để tránh dịch vì Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, một loạt người lao động trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ phải quay trở lại thôn quê, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp tổng thể.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, ngành lao động quan niệm chuyển đổi số có thể làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng có thể mở ra những cơ hội mới nếu biết tận dụng. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung vào 5 giải pháp cơ bản.

Theo đó, chú trọng nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực làm cơ sở để điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung các quan sát đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề lĩnh vực, sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, thu hút tập trung nguồn lực, thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động. Bộ sẽ hoàn thiện quy định nhằm rà soát lại cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục nghề nghiệp nhất là chính sách liên kết doanh nghiệp và nhà trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Khẳng định, lao động- xã hội là vấn đề rất rộng, cần phải bàn thấu đáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước mắt cần tập trung vào vấn đề giải quyết chính sách, quyền lợi với người lao động từ thành phố về quê. Có rất nhiều vấn đề bộc lộ ra qua các đợt dịch COVID-19, trong đó có vấn đề đã tồn tại từ trước như nhà ở của công nhân, các công trình phúc lợi...

Cho rằng số lượng hơn 1 triệu người dịch chuyển từ thành phố về quê cần được xem xét nằm ở khu vực nào, đối tượng nào, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có hai vấn đề lớn phải giải quyết, đó là phải kiểm soát dịch cho tốt do vấn đề tâm lý của người lao động. Người lao động sợ nhất là quay lại rồi dịch bệnh xảy ra lại phải phong tỏa, phải chứng kiến cảnh ốm đau, mất mát.

Vấn đề thứ hai là phải mở lại trường học do đa phần công nhân có con nhỏ học mẫu giáo, tiểu học. Về lâu dài, phải chăm sóc căn cơ cho người lao động, nếu dịch có trở lại thì người lao động vẫn phải được đảm bảo một phần tiền lương đủ cho cuộc sống.

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể cho thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội thông tin: "Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay, tôi xin phép thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh do đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội quan tâm, đề xuất trong phiên họp này", Chủ tịch Quốc hội cho biết và đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương để tổ chức thật tốt lễ tưởng niệm.

*Đánh giá toàn diện ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Các ý kiến xoay quanh việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19; công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền, đặc biệt đánh giá chất lượng học trực tuyến của học sinh không có thiết bị công nghệ thông tin; về giáo dục kỹ năng trong đào tạo trực tuyến; các giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; vấn đề dạy thêm, học thêm, đổi mới phương pháp dạy học, thi cử; về phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19...

Về câu hỏi cũng của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), có nên bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hay không? Bộ trưởng khẳng định không thể bỏ kỳ thi Trung học phổ thông vì đây là vấn đề đã được luật hóa. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo quy định của luật và kỳ thi cũng có rất nhiều tác dụng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh và hiện tại vẫn là một trong các căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong đợt thi tốt nghiệp vào năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lên phương án về hình thức thi, thậm chí có thể linh hoạt hơn phù hợp tình hình dịch bệnh tại các các tỉnh, thành phố trong thực tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tính xây dựng một bộ ngân hàng đề đủ lớn, để có thể tổ hợp cho phép thi nhiều lần hơn, thậm chí có thể đáp ứng mỗi tỉnh có một kế hoạch thi. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý đây chỉ là những phương án “bất đắc dĩ” nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Nội dung chất vấn này, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Liên quan đến biên chế, tổ chức hệ thống giáo viên các cấp học, và các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát rất kỹ lưỡng trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố. Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp, đánh giá và căn cứ vào định mức học sinh, giáo viên trên lớp, xác định được con số giáo viên còn thiếu là 65.980 người. “Từ số liệu nêu trên, chúng ta thấy một thực tiễn đó là giáo viên vừa thiếu, vừa thừa, trong đó có cả chưa tuyển dụng khi đã có biên chế được giao”, Bộ trưởng cho biết.

Để giải quyết và khắc phục vấn đề này, theo Bộ trưởng, cả về trước mắt lẫn lâu dài, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đang tập trung rất cao, quyết liệt để quán triệt và thực hiện tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa (XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, với mục tiêu giảm 10% số đơn vị sự nghiệp và giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Xung quang việc đảm bảo hạ tầng học trực tuyến, theo Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, hạ tầng mạng viễn thông, mạng di động hiện nay còn 2.000 điểm lõm sóng, trong hai tháng vừa qua đã phủ sóng được 1.000 địa điểm, còn lại sẽ cố gắng phủ sóng trong năm 2021, chậm nhất đến tháng 1/2022.

Về mạng cố định để đưa tất cả cáp quang tới các hộ gia đình, Bộ trưởng cho biết hiện nay còn khoảng 8 triệu hộ gia đình chưa có cáp quang. Nếu đưa cáp quang về các hộ gia đình và có mạng không dây (Wi Fi), tốc độ truy cập sẽ tốt hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp chậm nhất trước năm 2025, cơ bản các hộ gia đình Việt Nam sẽ có cáp quang.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm rõ tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với những vấn đề thuộc chủ đề của chất vấn đặt ra, có phân tích theo từng cấp học từ giáo dục mầm non, phổ thông, đại học.

Qua chất vấn, các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng cần phân tích đánh giá kỹ lưỡng hơn, sâu sắc đầy đủ toàn diện hơn những ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành của Bộ, thích ứng trong tình hình mới, vừa xây dựng và thực thi chiến lược chương trình tổng thể thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn và hiệu quả với dịch COVID-19 như chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải cho học sinh, đảm bảo điều kiện vật chất thiết bị phù hợp cho dạy và học trực tuyến, phối hợp với các cấp, các ngành địa phương đảm bảo công tác an toàn trường học...

* Tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp

Thời gian còn lại của phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời về nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Các ý kiến tập trung chất vấn về các chính sách và giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; giải pháp ưu tiên đầu tư phát triển các vùng đang khó khăn; 5 nhóm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau dịch COVID-19, đặc biệt các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp như dòng tiền cho vay và hoãn thu các loại thuế, phí; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển; trách nhiệm quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc sử dụng vốn vay đầu tư phát triển, đặc biệt là sử dụng vốn ODA...

Tại phiên chất vấn, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu câu hỏi, theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 31/10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng như việc giải ngân vốn ODA còn đạt thấp so với kế hoạch. Đề nghị, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc giải ngân chậm và giải pháp gì để thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn ODA?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Giải ngân vốn đầu tư công là một vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đã được nêu tại các kỳ họp của Quốc hội nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này chưa được giải quyết triệt để và tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp; đặc biệt là năm 2021 với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo đó, các nguyên nhân được vị tư lệnh ngành nêu ra là do công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư mới bắt đầu thực hiện mất thời gian lặp lại và điều chỉnh nhiều lần. Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở chưa thể giải quyết ngay được.

 

Cũng theo Bộ trưởng, riêng năm 2021 có nguyên nhân cụ thể là dịch COVID-19 dẫn đến giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến vấn đề về nguyên, nhiên vật liệu, thiếu lao động, các chi phí tăng cao. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; đầu năm nước ta triển khai Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp…

Nội dung này sẽ tiếp tục được tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư trả lời trong phiên họp Quốc hội sáng mai (12/11)./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục