Đề xuất miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các bộ ngành và nhiều chuyên gia, nhà khoa học để tham góp ý kiến, tiến tới thống nhất phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ.
* Đề xuất miền Trung tách thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ Phương án phân vùng là tiền đề để lập các Quy hoạch vùng. Do đó, việc xây dựng và thông qua phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 là cơ sở cần thiết để kịp thời triển khai lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030; tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phương án phân vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, phân thành 7 vùng, gồm: Đông Bắc (7 tỉnh); Tây Bắc (7 tỉnh); Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh/thành phố); Bắc Trung Bộ (5 tỉnh); Nam Trung Bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên); Đông Nam Bộ (8 tỉnh/thành phố) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh/thành phố). Phương án 2 là theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong đó phân thành 7 vùng trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (6 vùng) và tách Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và địa phương về 2 phương án phân vùng nêu trên, phương án 1 được Bộ Y tế và 4 tỉnh chọn; phương án 2 được 10/14 bộ, ngành và 49/59 địa phương chọn bởi nhiều yếu tố hợp lý. Cụ thể, phương án 2 gồm các vùng: miền núi phía Bắc (10 tỉnh); Đồng bằng và trung du Bắc Bộ (15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang); Bắc Trung Bộ (5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế); Nam Trung Bộ (8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận); Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Đông Nam Bộ (6 tỉnh) và Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh). Việc tách Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành hai Vùng là do vùng này hiện quá dài (hơn 1.300 km), do đó các hoạt động giao lưu, kết nối bị hạn chế; vùng có diện tích quá lớn, trải qua nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau; có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu tiết giữa hai phần Nam và Bắc đèo Hải Vân, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Phương án 2 cũng đưa ra việc mở rộng Vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang để hình thành Vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Theo phương án này, các tỉnh miền núi phía Bắc có sự khác biệt rất lớn so với 4 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang về kinh tế, địa hình. Trong khi, 4 tỉnh này có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với Thủ đô Hà Nội và các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng như: Hòa Bình – Hà Nội gắn kết về thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng; Phú Thọ, Thái Nguyên - Hà Nội và các tỉnh gắn kết qua phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như: Gang thép Thái Nguyên, Samsung, Giấy Bãi bằng,...; Bắc Giang gắn kết với các địa phương qua phát triển các khu công nghiệp xuất khẩu,... Đồng thời, việc mở rộng Vùng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, để có thêm không gian cho phát triển, đồng thời kết nối, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển của các tỉnh mở rộng. Sau khi mở rộng, Vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có đặc điểm: Tổng số bao gồm 15 tỉnh, tuy nhiên có nhiều tỉnh diện tích nhỏ nhất cả nước như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Phương án 2 cho rằng cần phải giữ quy hoạch vùng Tây Nguyên vì đây là vùng có những đặc trưng văn hóa, dân tộc và đời sống xã hội cần được chú trọng để phát huy. Tây Nguyên có nhiều yếu tố về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị cần được quan tâm, có chính sách riêng để xử lý hài hòa. Bên cạnh đó, về điều kiện tự nhiên, địa hình Vùng Tây Nguyên khác so với các tỉnh Nam Trung Bộ: Tây Nguyên có địa hình cao, là cao nguyên đá xếp tầng có độ cao trung bình từ 600 – 800 m so với mực nước biển; khí hậu cận xích đạo có hai mùa mưa và khô rõ rệt. * Đề xuất về cơ chế quản lý, liên kết vùng Cho ý kiến đóng góp về các phương án phân vùng, đa số chuyên gia ủng hộ phương án 2 với nhiều yếu tố hợp lý hơn. Tại cuộc họp, các bộ, ngành chức năng, chuyên gia, nhà khoa học góp ý điều chỉnh một số nội dung; đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề về phân vùng, quy hoạch.Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, trước khi nghiên cứu các phương án thì phải đặt câu hỏi về mục đích phân vùng. Theo ông Thái, trước đây đã có nhiều quy hoạch, nhưng vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Vấn đề đặt ra là cần thể chế chính sách, pháp luật để quy hoạch gắn kết các tỉnh thành, gắn kết nguồn lực. Nếu không phân vùng, quy hoạch chỉ là sự cộng dồn của các địa phương. "Nhân quy hoạch về phân vùng này thì cần kiến nghị thêm về cơ chế điều hành, điều tiết trong các vùng. Đây là điểm yếu nhất từ quy hoạch đến thực tiễn" - ông Thái nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quy hoạch đã có, nhưng thiếu 3 vấn đề về thể chế rất lớn: Cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng và chính sách liên kết vùng. Trong đó, cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng không hiện diện trong các văn bản pháp luật; còn vấn đề liên kết vùng được đề cập đến nhiều, nhưng việc thực hiện còn mờ nhạt trên thực tiễn. Từ đó, ông Trần Trọng Hanh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu phân vùng kỹ hơn, có căn cứ khoa học, tính tối ưu; nghiên cứu các thể chế phát triển vùng; thành lập hội đồng vùng, có chính sách tài khóa vùng, liên kết vùng giữa nhà nước, thị trường và dân sự. Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc phân định vùng, cần tạo các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đặc thù để tạo ra động lực cho phát triển. Đại biểu kiến nghị vùng Thủ đô và vùng Thành phố Hồ Chí Minh là 2 vùng đặc thù. Bên cạnh đó, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, khi đã có phân vùng thì phải xây dựng quy chế hợp tác trong nội vùng, để khắc phục hạn chế hiện nay là các tỉnh phải tự xúc tiến hợp tác với nhau. Ông Nghiêm đề xuất cần có quỹ hợp tác vùng, do Chính phủ quyết định, bởi không có quỹ thì không thể đẩy mạnh hợp tác. * Hoàn thiện phương án trình Chính phủ quyết định Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các phương án phân vùng, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện phương án. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng. Quy hoạch vùng làm nổi bật lên những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Qua ý kiến của các chuyên gia (đa số đồng thuận với phương án 2), Phó Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như: mục tiêu của phân vùng; thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng; đánh giá những tác động về chính sách thông qua kết cấu hạ tầng, thu hút nguồn vốn đầu tư, không gian phát triển của vùng,... Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phân vùng phải tính đến sự tương đồng về yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, dân tộc,...; phát huy tiềm năng lợi thế của vùng, các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời ứng phó với các thách thức; phát huy sự gắn kết trong nội vùng; ngoài các vùng kinh tế còn cần các vùng đặc thù để tạo động lực phát triển. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp với đa số ủng hộ phương án 2, từ đó xây dựng báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng./.
Tin liên quan
-
Kinh tế tổng hợp
Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Bài 2: Xây dựng các tuyến du lịch liên kết vùng miền
10:03' - 30/05/2020
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, các địa phương sẽ thúc đẩy kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, nhất là du lịch của cả khu vực phía Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Tạo sự đồng thuận trong mối liên kết vùng miền Trung
15:10' - 20/08/2019
Các bộ, ngành, địa phương cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương cùng hướng đến mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ...
-
Kinh tế Việt Nam
Tăng liên kết vùng từ phát triển dịch vụ logistics ở Hải Phòng
13:52' - 12/07/2019
Để phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng, tới đây Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Hải Phòng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường logistics...
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Hải Phòng giữ vững cực tăng trưởng khu vực phía Bắc với mục tiêu hai con số
18:05' - 18/07/2025
Hải Phòng đang triển khai loạt giải pháp đột phá nhằm mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics và chuyển đổi số.
-
Kinh tế Việt Nam
Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực, trọng điểm
18:04' - 18/07/2025
Trong các tháng cuối năm 2025, thành phố Đà Nẵng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân được giao.
-
Kinh tế Việt Nam
Ông Trần Đức Thắng được giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
17:19' - 18/07/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định về việc điều động, giao quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn sẽ vận hành trở lại vào tháng 8
15:09' - 18/07/2025
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn (LSP) chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết, Tổ hợp này sẽ được vận hành trở lại vào tháng 8 tới.
-
Kinh tế Việt Nam
Dự kiến khởi công cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài vào dịp Quốc khánh 2/9
14:41' - 18/07/2025
Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài 51km dự kiến sẽ khởi công dịp chào mừng Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh với gói thầu đầu tiên triển khai là rà phá bom mìn và di dời hạ tầng kỹ thuật.
-
Kinh tế Việt Nam
Đồng Tháp xác định tăng trưởng từ “kiềng ba chân” kinh tế
12:37' - 18/07/2025
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu năm đã xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai đồng bộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2025.
-
Kinh tế Việt Nam
Khánh Hòa sẽ khởi công 4 dự án quy mô lớn chào mừng Quốc khánh 2/9
12:37' - 18/07/2025
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam, qua rà soát, tỉnh có 4 dự án đủ điều kiện khởi công, đăng ký tham gia lễ khởi công chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9.
-
Kinh tế Việt Nam
Môi trường kinh doanh minh bạch “hút” dòng vốn FDI
12:24' - 18/07/2025
Số lượng dự án đầu tư mới tăng lên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư FDI với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.
-
Kinh tế Việt Nam
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
10:11' - 18/07/2025
Sáng 18/7, Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.