Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch

11:19' - 04/06/2021
BNEWS Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm 10-50% mức thu của 30 loại phí, lệ phí, từ ngày 1/7 đến hết năm nay, thay vì hạn cuối là ngày 30/6 như hiện hành.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh,thúc đẩy giai ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành nhiều chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế...

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho năm 2020 và 2021, ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm. 

Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm 10-50% mức thu của 30 loại phí, lệ phí, từ ngày 1/7 đến hết năm nay, thay vì hạn cuối là ngày 30/6 như hiện hành. 

Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Dự báo kinh tế trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19.

Theo Bộ Tài chính, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải... cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp... góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và đã được Chính phủ, Quốc hội đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.

Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí đang được quy định tại 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao.

Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện cả năm 2020 đạt khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2020 đã góp phần quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như đã góp phần phát triển kinh tế đất nước, khôi phục sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu với con số dương; ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường và góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính và Bộ đã chỉ đạo ngành thuế đánh giá tác động của các chính sách thuế đã thực hiện đối với sản xuất - kinh doanh cũng như thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như tác động của dịch COVID-19, từ đó đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua trên cả nước. Trên cơ sở đó, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết ngành thuế sẽ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế thời gian tới./.

Thùy Dương

"Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục