Đề xuất siết chặt quản lý hoạt động trao đổi rác thải nhựa trên toàn cầu

21:59' - 02/05/2019
BNEWS Na Uy ngày 2/5 cho biết nước này đã trình bày một đề xuất nhằm thắt chặt các quy định về quản lý hoạt động mua bán, trao đổi rác thải nhựa trên toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy cho biết đề xuất này sẽ tăng cường sự ủy thác của Công ước Basel về quản lý vận chuyển rác thải độc hại xuyên biên giới.

Đề xuất sửa đổi sẽ buộc các dòng luân chuyển rác thải nhựa không được tái chế phải tuân thủ quy trình cấp phép đã được thông báo trước.

Điều này đồng nghĩa các quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa sẽ phải xin giấy phép từ quốc gia nhập khẩu trước khi hoạt động xuất khẩu diễn ra.

Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy Ola Elvestuen cảnh báo hoạt động mua bán rác thải nhựa trên toàn cầu đã phát triển thành một ngành công nghiệp lớn trị giá hàng triệu USD và hiện vượt ngoài các quy tắc quốc tế.

Hoạt động này có tác động lớn tới môi trường và sức khỏe con người. Theo quan chức trên, đề xuất của Na Uy sẽ trao cho các nhà chức trách những công cụ để kiểm soát tốt hơn các thông tin về khối lượng và loại rác thải nhựa được nhập khẩu vào những nước này.

Công ước Basel vốn cấm các nước phát triển chuyển rác thải độc hại hay nguy hiểm sang các nước đang phát triển mà không được sự đồng ý của nước tiếp nhận.

Các quốc gia thành viên của Công ước Basel đang nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 29/4.

Dự kiến, các bên tham dự hội nghị sẽ thông qua một gói thỏa thuận nhằm củng cố Công ước Basel, trong đó có việc quản lý chặt chẽ hơn các dòng luân chuyển rác thải nhựa khác nhau cũng như tăng cường hợp tác ở cấp độ toàn cầu.

Các vấn đề với chất thải nhựa đã không được chú ý trong nhiều năm vì Trung Quốc đã nhập khẩu hầu hết nhựa cũ để biến nó thành nguyên liệu chất lượng cao hơn cho các chu kỳ sản xuất mới.

Tuy nhiên, đầu năm 2018, Trung Quốc đã giảm mạnh nhập khẩu chất thải nhựa và theo người đứng đầu hiệp hội công nghiệp của Tổ chức Tái chế Quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ) Arnaud Brunet, sự thay đổi này đã gây ra một "cơn địa chấn" với thị trường toàn cầu.

Theo ước tính, cho tới nay con người mới chỉ tái chế được 9-12% số nhựa được sản xuất trên khắp thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục