Deloitte Access Economics: Kinh tế Australia sẽ tăng trưởng chậm lại

12:10' - 18/07/2022
BNEWS Theo Báo của công ty tài chính Deloitte Access Economics, kinh tế Australia sẽ tăng trưởng chậm lại trong 12 tháng tới, nhưng không có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ hay giảm phát.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, báo cáo triển vọng kinh doanh hàng tháng của công ty tài chính Deloitte Access Economics cho rằng nền kinh tế Australia (Ô-xtrây-li-a) sẽ tăng trưởng chậm lại trong 12 tháng tới, nhưng không có nguy cơ rơi vào tình trạng trì trệ hay giảm phát.

Deloitte Access Economics dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính 2022 - 2023 của Australia là 3,0% vào trong năm tài chính tiếp theo là 2,5%. Chuyên gia Stephen Smith, người phụ trách báo cáo nói trên, cho biết đây là điểm trung gian giữa việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và các tác động giảm dần của sự không chắc chắn, lãi suất tăng, lạm phát cao hơn và niềm tin của người tiêu dùng yếu hơn.

Ông Smith dự đoán lạm phát của Australia sẽ đạt đỉnh 6,6% vào nửa cuối năm nay, trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA tức ngân hàng trung ương) có khả năng sẽ tăng lãi suất lên ngưỡng cao nhất là 2,5% trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại.

Theo chuyên gia kinh tế của Deloitte Access Economics, hành động thắt chặt tiền tệ của RBA nhằm theo đuổi mục tiêu lạm phát từ 2-3% sẽ khiến tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn hơn và điều này sẽ đẩy Australia đến gần hơn với tình trạng lạm phát đình trệ.

Trong báo cáo vừa phát hành, ông Smith viết những thách thức từ thế giới bên ngoài cũng sẽ tạo ra các tác động đối với nền kinh tế Australia, như suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở Mỹ sẽ kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, giá nhiên liệu tiếp tục ở mức cao, dịch bệnh và thiên tai tiếp tục hoành hành…

Bên cạnh đó, tiền lương cơ sở ở Australia có thể sẽ tăng thêm 3% vào năm 2023, sau khi đã được điều chỉnh tăng đến 5,2% vào tháng 7/2022, có khả năng dẫn đến một vòng xoáy giá cả và tiền lương. Ông nhấn mạnh triển vọng xảy ra điều đó lớn hơn so với thời điểm trước đại dịch và dẫn đến nguy cơ xuất hiện lạm phát kéo dài tại Australia.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngân khố Australia đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc cần nhanh chóng nới lỏng tất cả các lệnh trừng phạt và hạn chế đối với hàng hóa của Australia, trong bối cảnh có thông tin cho biết Trung Quốc đang xem xét dỡ bỏ các lệnh cấm nhập khẩu than từ nước này.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế lớn và phát triển hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia, ông Jim Chalmers kêu gọi những thay đổi từ Trung Quốc không chỉ nên giới hạn ở mặt hàng than, mà cần mở rộng ra tất cả các loại hàng hóa khác của Australia, vì lợi ích của cả hai bên.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trong những năm gần đây, do căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước, Trung Quốc đã áp đặt một loạt các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa từ Australia, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhiều ngành hàng xuất khẩu quan trọng tại “xứ Chuột túi” như lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm, rượu vang, gỗ, than…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục