Đến năm 2030, Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics

16:58' - 22/11/2023
BNEWS Ngày 22/11, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Long An cùng đại diện các đơn vị, địa phương và đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics (dịch vụ hậu cần).

 

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp logistics giới thiệu các mô hình, giải pháp bảo quản, vận chuyển hàng hóa để tối ưu và tăng tính cạnh tranh trong logistics; chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics…; đồng thời, nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với chính quyền cùng ngành chức năng tại địa phương.

Bà Ngô Thị Minh Vy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Quản lý và khai thác Cảng quốc tế Long An cho biết, cùng với ưu thế về vị trí địa lý, Cảng quốc tế Long An đang sở hữu hệ thống hạ tầng, trang thiết bị và phương tiện vận tải hiện đại cùng hệ thống kho bãi rộng lớn 1 triệu m2; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị và khai thác… nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh. Cảng quốc tế Long An sẽ góp phần kết nối, giao thương vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các quốc gia trên thế giới.

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần có sự đồng hành cùng phát triển, liên kết tạo ra mạng lưới kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ nhằm tăng tính cạnh tranh. Các cảng biển cũng cần hợp tác xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng biển trong khu vực và trên thế giới để tăng hiệu suất khai thác, tăng sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc). Nhà nước cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng tính kết nối đa phương thức tạo điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng, kho bãi để tăng cường hệ sinh thái logistics…

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, Long An đã chú trọng đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hình thành các nút giao đấu nối hệ thống giao thông liên vùng, kết nối các khu, cụm công nghiệp với các cảng để phục vụ phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics, thúc đẩy giao thương hàng hóa, vận tải phát triển.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Long An trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của Vùng Đông Nam bộ. Theo đó, Long An quy hoạch 2 cảng cạn là Cảng cạn Bến Lức thuộc huyện Bến Lức và cảng cạn Tân Lập thuộc huyện Thủ Thừa, mỗi cảng có diện tích 10-15 ha, năng lực thông qua 150.000 Teu/năm; hình thành 10 trung tâm logistics nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có Cảng Quốc tế Long An, một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực phía Nam, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 70.000 tấn, trong tương lai có khả năng tiếp nhận tàu trên 100.000 tấn và đã sẵn sàng để đưa vào khai thác hàng container vào đầu năm 2024, đáp ứng tốt nhu cầu xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực.

Tuy nhiên, hoạt động logistics vẫn còn những hạn chế nhất định như: hình thức dịch vụ logistics tại địa phương còn đơn giản, các dịch vụ hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện; chưa có tính liên kết cao, chi phí dịch vụ logistics chưa thực sự cạnh tranh; thương mại điện tử phát triển chưa nhiều.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, hội nghị kết nối doanh nghiệp logistics là một trong những sự kiện quan trọng, là cơ hội kết nối các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng, các doanh nghiệp thương mại điện tử,… giới thiệu sản phẩm, giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp. Tỉnh Long An cam kết luôn sẵn sàng chào đón và đồng hành, hỗ trợ cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế địa phương nói chung và phát triển dịch vụ logistics, phát triển kinh tế số nói riêng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục