Dệt may liên kết đầu tư khâu "thượng nguồn"

10:23' - 12/05/2016
BNEWS Mang tính căn cơ và lâu dài là các doanh nghiệp mạnh liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài để đầu tư vào khâu "thượng nguồn" (sản xuất nguyên liệu đầu vào), cơ cấu lại ngành dệt may.
Dệt may liên kết đầu tư khâu "thượng nguồn". Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN

Ngành dệt may được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, nhưng từ đầu năm đến nay, các đơn hàng dệt may lại có dấu hiệu chững lại.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas).

BNEWS: Ông có thể cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may từ đầu năm đến nay?

Ông Trương Văn Cẩm: Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã sản xuất hơn 113 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, tăng 8,9% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt gần 221 triệu m 2 , tương đương cùng kỳ năm trước; quần áo mặc thường trên 1 triệu cái, tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Với khối lượng sản xuất này, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm đạt trên 8,1 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt trên 6,8 tỷ USD, tăng 6,95%; xơ sợi đạt 824 triệu USD, tăng 2,87%; nguyên phụ liệu đạt 273 triệu USD, tăng 4,14%; vải không dệt đạt 145 triệu USD, giảm 3,97%.

Sức mua thể hiện tương đối rõ với những thị trường lớn là các nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, Mỹ chiếm 48%, Nhật Bản chiếm khoảng 12%. Còn lại các thị trường EU chiếm 15% và Hàn Quốc chiếm gần 10%.

Nếu nhìn tổng thể nền kinh tế thế giới, có thể thấy rằng tăng trưởng các nền kinh tế lớn cũng không khả quan, chỉ bằng năm 2015, thậm chí có thị trường thấp hơn. Vì thế sức mua của các thị trường này có thể nói chưa nhìn thấy dấu hiệu tăng so với năm trước.

BNEWS: Những tháng đầu năm, đơn hàng dệt may đang có dấu hiệu chững lại. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Trương Văn Cẩm: Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn có đơn hàng, tuy nhiên những tháng đầu năm có dấu hiệu chững lại. Do đơn hàng không dồi dào nên doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt với nhau, trong khi đơn giá xuất khẩu gần như không tăng.

Ngược lại, hàng loạt chi phí đầu vào từ lương tối thiểu, các khoản bảo hiểm, phí vận chuyển… đều tăng.

Bên cạnh đó, một số khách hàng quen thuộc của Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang Myanmar, Lào bởi họ được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Mỹ, EU, lương tối thiểu và các khoản đóng bảo hiểm của các nước này cũng thấp hơn nhiều so với Việt Nam.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với EU vẫn chưa có hiệu lực.

Không chỉ Myanmar, Lào đang hút đơn hàng dệt may của Việt Nam mà cả Campuchia năm 2015 cũng có kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc vào EU ngang ngửa so với Việt Nam.

Do Campuchia đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình GSP dành cho các nước kém phát triển, trong khi Việt Nam chỉ được hưởng ở nhóm các nước đang phát triển là 9,6%.

Giá dầu giảm cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm giá thành sản phẩm nhưng đồng thời giá sản phẩm ở một số thị trường trong vài năm trở lại đây đã giảm khoảng từ 7 – 10% do đó, lượng hàng xuất đi dù tăng thì lượng tiền thu về cũng không tăng.

Ngoài ra, giá dầu còn ảnh hưởng đến đầu vào như: xơ sơi... và giá bông hiện cũng đang tương đối thấp. Vì vậy, giá thành sản phẩm và giá bán cũng không cao so với mọi năm.

BNEWS: Vậy doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, thưa ông?

Ông Trương Văn Cẩm: Để tăng xuất khẩu cũng như thu hút đơn hàng, đồng thời để tận dụng được một số lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp dệt may sẽ phải tập trung vào rất nhiều khâu.

Theo tôi, khâu đột phá là làm thế nào để tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ từ xơ sợi trở đi phù hợp quy định của TPP và từ vải trở đi theo quy định của FTA Việt Nam – EU.

Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần phải liên kết sử dụng nguyên phụ liệu (như sợi, vải, khóa kéo, chỉ, cúc, bao bì…) của nhau vì những sản phẩm này hàng năm, Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài hàng tỷ USD.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nắm được các trường hợp ngoại lệ (như quy chế một công đoạn cho một số mặt hàng, danh sách nguồn cung thiếu hụt, quy chế 1 đổi 1 cho mặt hàng quần vải bông giữa Việt Nam – Hoa Kỳ…) của TPP.

Tuy nhiên, mang tính căn cơ và lâu dài là các doanh nghiệp mạnh liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài để đầu tư vào khâu "thượng nguồn" (sản xuất nguyên liệu đầu vào), cơ cấu lại ngành dệt may.

Các doanh nghiệp dệt may cùng cần từng bước chuyển dần từ gia công sang hình thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) và hạn chế việc xuất khẩu qua khâu trung gian.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục