Dệt may và da giày kỳ vọng gì từ Hiệp định CPTPP?

16:02' - 12/11/2018
BNEWS Tới đây khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ tạo cú hích lớn cho các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam; trong đó, dệt may và da giày được cho là có lợi hơn cả.

Theo nhận định của các chuyên gia, tới đây khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ tạo cú hích lớn và mang đến động lực phát triển cho các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam; trong đó, đặc biệt hai ngành dệt may và da giày được cho là có lợi hơn cả.

Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95 - 98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5 - 7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của dệt may và da giày.

Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,2 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu giày dép đạt 13 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng chủ yếu tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và khối nước thành viên tham gia Hiệp định CPTPP.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, để đón đầu Hiệp định CPTPP công ty đã đầu tư trang thiết bị, xây dựng thêm nhà xưởng, dây chuyền sản xuất như: hệ thống dập là cầu vai, tra tay áo vest… để đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chất lượng của các thị trường khó tính.

Mới đây, Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh đã đưa vào hoạt động Nhà máy dệt Bảo Minh. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh cho biết, các nhà xưởng dệt vải, nhuộm, hoàn tất vải, kho, trung tâm năng lượng, văn phòng, khuôn viên cảnh quan... được xây dựng mới, đạt độ thẩm mỹ cao. 100% dây chuyền sản xuất của Dệt Bảo Minh là thiết bị tân tiến nhất của những hãng danh tiếng trên thế giới như: Fongs, Toyota, Otshoff-Singeing, Lafer, Staubli, Goller...

Công ty Dệt Bảo Minh xây dựng nhà máy theo chuỗi khép kín. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nhiều thiết bị công nghệ cao của Dệt Bảo Minh lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, giải pháp ERP của Oracle đã được triển khai, mang lại nhiều ưu thế cho hoạt động của Dệt Bảo Minh trong dài hạn. Mỗi năm Dệt Bảo Minh cung cấp trên 35 triệu mét vải dệt thoi cao cấp cho các nhãn hàng thời trang lớn của thế giới, 70% chuỗi sản phẩm của Dệt Bảo Minh là vải dành cho áo sơ mi được sản xuất từ sợi CM, CVC, TC chỉ số cao đã nhuộm (yarn dye) và 30% được sản xuất từ sợi mộc nhuộm nguyên tấm (piece dye).

Nhà máy đi vào hoạt động góp phần tăng nguồn cung nguyên liệu trong nước, giúp các doanh nghiệp giảm nhu cầu phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, khi dòng thuế suất bằng 0%, giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia… Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 35 tỷ USD là hoàn toàn có thể. Kỳ vọng đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng lên 50 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2015.

Tuy nhiên, CPTPP có một yêu cầu khắt khe là nguyên tắc xuất xứ. Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may, da giầy nói riêng, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may và da giày đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, xuất xứ cho ngành dệt may rất hạn chế. Ảnh minh họa: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Về thách thức trên đối với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, xuất xứ cho ngành dệt may rất hạn chế. Yêu cầu trong CPTPP là xuất xứ của hàng dệt may phải từ sợi (thay vì từ vải như một số hiệp định khác), trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm.

Hiện 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản; trong số này thì chỉ có Nhật Bản có trong CPTPP nhưng lâu nay thị trường này đã có nhiều thuận lợi. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là làm sao tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư vào khâu xuất xứ cho nguyên phụ liệu.

Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu da giày tăng tỉ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada…

Riêng Nhật Bản, một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình từ 20 - 35%/năm, nếu doanh nghiệp biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại.

Hay Canada, áp thuế nhập khẩu 0% cho cả giày da và túi xách ngay lập tức mà không cần lộ trình cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường này.

Mặc dù vậy, để được hưởng những lợi ích từ hiệp định này, khó khăn mà doanh nghiệp da giầy phải vượt qua khi vào CPTPP cũng không hề nhỏ. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu những nội dung liên quan tới ngành từ CPTPP về quy định, thủ tục hải quan, logistics của các nước. Đồng thời các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản xuất, liên kết với nhau.

Hơn nữa, ông Thuấn cũng cho rằng, nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp bằng việc tạo sân chơi bình đẳng, giảm thiểu thủ tục hành chính để tránh được sự lép vế của doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà. Nếu có sự cộng hưởng như vậy, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng tốt những ưu thế mà CPTPP mang lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục