Dệt May Việt Nam bứt phá về thị trường xuất khẩu

11:27' - 23/11/2023
BNEWS Dệt may Việt Nam đã bứt phá cả về thị trường và mặt hàng với việc xuất khẩu đến 104 thị trường vùng lãnh thổ
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Họp báo về Hội nghị tổng kết Vitas 2023. Tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành cũng như đưa ra nhiều dự báo cho năm 2024.

*Nỗ lực vượt khó

Theo thông tin từ Vitas, năm 2023 là năm nhiều thách thức lớn như tác động của dịch COVID-19 vẫn còn trên toàn cầu, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm. Tổng lượng xuất khẩu của ngành năm 2022 đạt trên 44 tỷ USD, nhưng với những khó khăn này, năm 2023 dự kiến sẽ giảm hơn 9%, với trên 40 tỷ USD.

 
“Mặc dù sụt giảm về xuất khẩu nhưng với những khó khăn trong năm nay, con số này được coi là sự bứt phá và cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta bứt phá cả về thị trường và mặt hàng. Chưa năm nào ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường 2023 với 104 thị trường vùng lãnh thổ”, ông Vũ Đức Giang nói.

Ông Giang cho biết thêm, đây vốn là thách thức khi hàng loạt thị trường lớn đình trệ, đơn hàng giảm thì doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm thị trường mới, như thị trường châu Phi, sản phẩm cho các nước đạo Hồi. Thị trường Nga trước đây không được quan tâm nhiều nhưng năm nay đã có sự cải thiện. Hay như Bangladesh là nước sản xuất dệt may nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu được ở dòng sợi tổng hợp, sợi tái chế… là thế mạnh Việt Nam.

Theo báo cáo từ Vitas, thị trường đứng đầu trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, với trên 11 tỷ USD; thứ 2 là Nhật Bản khoảng 3 tỷ; Hàn Quốc 2,43 tỷ USD; EU gần 2,9 tỷ USD… Đây là 4 thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam.

Tiếp đó là Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh quốc 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, còn các thị trường Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD…

Về mặt hàng, các doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều, có sự đa dạng hơn với 36 mặt hàng may mặc. Trong 9 tháng, jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với khoảng 4,385 tỷ USD, quần các loại 3,853 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, đồ lót 1,453 tỷ USD, váy các loại hơn 900 triệu USD, quần áo lao động hơn 800 triệu USD, quần sooc hơn 700 triệu USD, quần áo ngủ 378 triệu USD… 

“Việc đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng và khách hàng, đối tác là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn. Những thị trường trước đây không nhập khẩu thì nay đã nhập khẩu của Việt Nam, tạo vị thế cho Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Để đạt con số xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, ông Giang cho biết, Hiệp hội đặt mục tiêu xây dựng giải pháp trong phát triển bền vững, đạt các chuẩn mực tốt hơn, cả về xanh hóa, quản trị, công nghệ… để xuất khẩu.

*5 vấn đề cho 2024

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Vũ Đức Giang cho biết, chúng tôi rất kỳ vọng vào năm 2024, thị trường sẽ khởi sắc tốt hơn. Nhưng để nắm bắt được, các doanh nghiệp trong ngành cần thực hiện được 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng, đa dạng hóa mặt hàng.  

Thứ hai, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với phát triển theo mục tiêu đòi hỏi toàn cầu về xanh hóa, giảm phát thải nhà kính, tiếp tục đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt điện, giảm việc đốt bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát và thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu đòi hỏi.

Thứ ba là tập trung cho các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.

Thứ tư là tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, đây là vấn đề rất quan trọng. Vitas sau khi nhận được chiến lược phát triển ngành dệt may thì đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đưa ra một số kiến nghị về quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn về môi trường để thu hút đầu tư trong ngành vải, kéo sợi...

Ông Giang nhấn mạnh, lấy Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội làm trung tâm công nghiệp thời trang, quy hoạch lĩnh vực này để tạo ra nền công nghiệp thời trang phát triển; trong đó quan tâm, định hình đưa ra chiến lược cho một số nhãn hiệu Việt Nam không chỉ làm chủ ở Việt Nam mà còn đưa ra thị trường thế giới. Mục tiêu này không phải một sớm một chiều mà là mục tiêu hàng chục, thậm chí mất trăm năm. Từ các trung tâm này, xây dựng nguồn lực về phát triển mẫu, thiết kế 3D, công nghệ quản trị số. Hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhưng ý tưởng, vận hành và nguồn lực để vận hành vẫn còn thiếu.

Cuối cùng, ngành dệt may Việt Nam đang đi trên con đường có tính mở toàn diện, toàn cầu. Do vậy, ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp phải tuân thủ và thích ứng nhanh với luật chơi toàn cầu, yêu cầu mới từ các nhãn hàng; trong đó chủ động hơn về phát triển ý tưởng, mẫu mã, chủ động nguyên liệu đầu vào trong sản xuất. Có như vậy dệt may Việt Nam mới hưởng lợi thuế suất = 0% từ các hiệp định thương mại tự do. Để làm được, doanh nghiệp sẽ cần xây dựng nền tảng liên kết chuỗi chặt chẽ, chủ động mẫu mã và tiếp tục củng cố công nghệ, quản trị số để thích ứng nhanh, minh bạch với các nhãn hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục