Deutsche Bank tái cơ cấu tác động thế nào lên thị trường chứng khoán Việt Nam?

20:21' - 10/07/2019
BNEWS Vừa qua Deutsche Bank công bố kế hoạch tái cơ cấu, ngoài việc rút khỏi mảng giao dịch chứng khoán toàn cầu.

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng thương mại lớn nhất nước Đức Deutsche Bank tái cơ cấu, rút khỏi mảng giao dịch chứng khoán chỉ là câu chuyện riêng về việc tìm kiếm lợi nhuận, không có tác động lớn lên thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Deutsche Bank tái cơ cấu không có tác động lớn lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, vừa qua Deutsche Bank công bố kế hoạch tái cơ cấu, ngoài việc rút khỏi mảng giao dịch chứng khoán toàn cầu, Deutsche Bank sẽ cắt giảm khoảng 18.000 việc làm trong tổng số 91.500 nhân viên.

Quy mô các đơn vị trong ngân hàng cũng được thu hẹp. Dự kiến, đến năm 2022, tổng số nhân viên của Deutsche Bank giảm còn 74.000 người. Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ dừng chi trả cổ tức trong năm nay và năm sau để dành khoảng 7,4 tỷ euro (8,3 tỷ USD) cho việc tái cơ cấu đến năm 2022.

Deutsche Bank đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ một cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước. Kể từ đó, ngân hàng này đã phải vật lộn để kiếm lợi nhuận theo các điều khoản an toàn mới áp đặt cho các ngân hàng.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Đức - Phó phòng Phát triển sản phẩm, Công ty cổ phần chứng khoán MB – MBS cho rằng, khi thông tin này mới ra, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều lo ngoại bởi ngân hàng này quản lý các quỹ ETF (quỹ chỉ số) rất lớn ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, Deutsche Bank đang nắm giữ danh mục cổ phiếu hàng trăm triệu USD thông các quỹ đầu tư. Cụ thể, Deutsche Bank đang quản lý FTSE Vietnam ETF - một quỹ ETF lớn thứ 2 tại thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng danh mục 300 triệu USD.

Bên cạnh quỹ đầu tư thụ động FTSE Vietnam ETF, Deutsche Bank còn quản lý Vietnam Phoenix Fund Limited, chuyên đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu.

Giới đầu tư lo lắng các quỹ này sẽ bán ra cổ phiếu bởi vì Deutsche Bank rút khỏi mảng giao dịch dịch chứng khoán. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bloombeg, Deutsche Bank đang đàm phán với Ngân hàng Banque Nationale de Paris (BNP)- ngân hàng quốc tế có trụ sở tại Paris, Pháp và khả năng cao sẽ chuyển giao mảng này cho  BNP, ông Đức thông tin.

Rõ ràng nhu cầu của nhà đầu tư vào mảng chứng khoán vẫn rất lớn. Việc Deutsche Bank cơ cấu lại và chuyển giao mảng giao dịch chứng khoán không ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí thông tin này được đánh giá là tích cực. Bởi trong khoảng 5 năm qua, ngân hàng này đã suy yếu, nên các quỹ đầu tư của Ngân hàng này “hút” vốn rất kém.

Việc chuyển giao các quỹ ETF tại Việt Nam của ngân hàng này khiến tương lai của quỹ rõ ràng hơn, điều này giúp các nhà đầu tư quốc tế sẵn sàng bỏ tiền vào quỹ.

Trước đây có lẽ nhà đầu tư còn lo ngại không biết ngân hàng đóng cửa khi nào và chuyển giao tài sản ra sao. Sau khi chuyển giao, luồng tiền đầu tư từ châu Âu có thể sẽ tiếp tục chảy vào quỹ này, ông Đức dự báo.

Theo vị chuyên gia này, DeutsBank là ví dụ khá điển hình về câu chuyện kém về năng lực cạnh tranh, về tín nhiệm chứ không phải đại diện cho cả hệ thống ngân hàng. Thực tế, ngành ngân hàng thế giới vẫn đang có kết quả kinh doanh khá tích cực.

Bình luận về sự việc này, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, thông tin Deutsche Bank rút khỏi mảng giao dịch chứng khoán trong ngắn hạn có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam về mặt tâm lý nhà đầu tư.

Bởi nhà đầu tư lo ngại quỹ đầu tư do ngân hàng nắm giữ sẽ bán tháo ra các danh mục cổ phiếu đang đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cần lưu ý là ngân hàng sẽ chuyển mảng kinh doanh này cho công ty con hoặc đối tác có liên quan để nắm giữ doanh mục đó. Đây là trường hợp cơ cấu các mảng kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế thì cổ phiếu do các quỹ này nắm giữ chưa được bán ra. Tác động về mặt dài hạn cũng cần phải chờ đợi. Về mặt tiêu cực, rõ ràng, trong giai đoạn này, khả năng mua thêm cổ phiếu của các quỹ là khó xảy ra. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền mới chảy vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng những ảnh hưởng này là không lớn. Giả sử quỹ đầu tư của ngân hàng này có bán luôn các cổ phiếu đang nắm giữ thì ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán cũng không lớn, bởi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của quỹ này trên thị trường chứng khoán Việt Nam dù không phải là ít những cũng chẳng phải quá nhiều.

Hơn nữa, cần phải lưu ý khi quỹ này bán ra cổ phiếu sẽ không bán trên sàn mà sẽ bán theo phương thức thỏa thuận. Như vậy có thể hiểu rằng, trường hợp xấu nhất thì nhà đầu tư cũng chỉ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý mà thôi.

Theo ông Khánh, Deutsche Bank cũng là ngân hàng trung gian của thanh toán quốc tế, có nghĩa là tất cả những định chế tài chính, những tổ chức lớn khi thanh toán trên hệ thống tài chính toàn cầu sẽ giao dịch với tỷ trọng rất lớn thông qua ngân hàng này.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, việc rút khỏi mảng giao dịch chứng khoán toàn cầu của Deutsche Bank là quyết định riêng của ngân hàng.

Có thể là ngân hàng này đã không hoạt động một cách hiệu quả trong lĩnh vực chứng khoán đầu tư. Có thể đối với ngân hàng của họ là quyết định đúng đắn khi chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh để tập trung vào mảng kinh doanh có lãi nhất.

Có lẽ, việc này không ảnh hưởng nhiều lắm đến thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán thế giới là “bao la” và mảng đầu tư của Deutsche Bank chỉ là phần nhỏ trong thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng tùy thuộc theo từng quốc gia, những quốc gia có ngân hàng này hoạt động đầu tư mạnh mẽ, chẳng hạn như ở Singapore hay là HongKong (Trung Quốc) thì thị trường chứng khoán ở đây bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các thị trường khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

“Theo tôi, sự tham gia vào mảng chứng khoán của ngân hàng này không nhiều, thành ra những ảnh hưởng vào thị trường chứng khoán không lớn”, ông Hiếu nhận định.

Đánh giá về tác động đến nền kinh tế về việc suy yếu của ngân hàng này, TS. Nguyễn trí Hiếu cho rằng, việc suy yếu của ngân hàng Deutsche Bank không phải là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tuy nhiên,  Deutsche Bank suy yếu chứng tỏ rằng trong hệ thống ngân hàng đang có sự phân hóa và các ngân hàng đang phải tìm hướng cạnh tranh rất khốc liệt.

“Deutsche Bank là ngân hàng lớn nhất của Đức từ trước giờ và họ cũng là một trong những định chế tài chính lớn nhất toàn cầu. Thành ra khi họ thay đổi chiến lược như thế có thể là báo hiệu sự thay đổi chiến lược kinh doanh của các ngân hàng.

Có lẽ hiện tại, Deutsche Bank đang xoay chuyển từ ngân hàng có nhiều lao động sang ngân hàng kỹ thuật số không cần nhiều lao động và hàng nghìn cán bộ ngân hàng này sẽ bị sa thải.” ông Hiếu nhìn nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục