Di sản kinh tế của Tổng thống Indonesia Joko Widodo

05:30' - 17/08/2024
BNEWS Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Joko Widodo (Jokowi), chính sách tài khóa được mô tả là thận trọng và có kỷ luật.
Theo báo Jakarta Post số ra mới đây, trong 10 năm cầm quyền của Tổng thống Joko Widodo (từ năm 2014-2024), nền kinh tế Indonesia luôn tăng trưởng vững, kiên cường và tương đối cao. Đáng chú ý, cường quốc Đông Nam Á đã nhiều lần khéo léo điều hướng an toàn giữa những cơn gió ngược và biến động kinh tế toàn cầu. 

Năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia đạt 1.420 tỷ USD, tăng 559 tỷ USD so với năm 2015 và GDP bình quân đầu người tăng gần 50%, lên mức 4.940 USD. Chính sách tài khóa là một trong những lý do đằng sau sự tăng trưởng tương đối cao và ổn định này.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Joko Widodo (Jokowi), chính sách tài khóa được mô tả là thận trọng và có kỷ luật. Chính yếu tố này đã góp phần vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và đủ linh hoạt để trở thành một bộ đệm và một chính sách phản chu kỳ trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Có thể nhận thấy chính sách tài khóa của Indonesia đã có hiệu quả trong việc giảm thiểu các cú sốc ngắn hạn cho nền kinh tế. Nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch COVID-19 đầy rẫy những bất ổn, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và tình trạng thắt chặt tiền tệ ở các nước tiên tiến.

Với triển vọng tăng trưởng toàn cầu thấp, giá hàng hóa giảm và chi phí vay cao hơn, chính quyền của Tổng thống Jokowi đã áp dụng cách tiếp cận bảo thủ đối với chính sách tài khóa. Indonesia đã thu hẹp thâm hụt ngân sách, để giảm bớt áp lực tài chính. Mặc dù có khoản doanh thu đáng kể vào năm 2022, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng vọt, nhưng ngân sách vẫn bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ thu thuế/GDP vẫn liên tục ở mức thấp trong suốt hai nhiệm kỳ của ông Jokowi.

Năm 2023, tỷ lệ thu thuế/GDP của Indonesia là 9,6%, mức này thấp hơn so với Malaysia (12,2%) và Thái Lan (16,7%). Tỷ lệ thu thuế tương đối thấp đã hạn chế việc chính phủ theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng hơn để tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu trên 5% mỗi năm.

Kết quả là, chi tiêu của chính phủ đã dao động quanh mức 15% GDP kể từ năm 2015, thấp hơn so với các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) như Ấn Độ (28%), Brazil (48%), Thổ Nhĩ Kỳ (28%) và Malaysia (23%). Chính quyền của Tổng thống Jokowi đã chi 3.150 tỷ rupiah (210 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng từ năm 2015 đến năm 2023, trung bình là 2,2% GDP. Con số này thấp hơn so với Ấn Độ (3,3%) và Trung Quốc (6,7%).

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), trong số 139 quốc gia, thứ hạng hiệu suất hậu cần của Indonesia đã tụt xuống vị trí thứ 61 vào năm 2023, giảm từ vị trí thứ 45 vào năm 2018. Sự tụt hạng là do điểm số của nước này trong thành phần hậu cần (chi phí vận chuyển, chi phí tồn kho, chi phí hành chính,..), mặc dù cơ sở hạ tầng vật chất của Indonesia đã được cải thiện.

Chi tiêu cho viện trợ xã hội là một trong những đặc điểm quan trọng trong chính sách tài khóa của ông Jokowi. Nó được thiết kế để ổn định nền kinh tế, ngăn ngừa suy thoái và giảm nghèo, đồng thời thiết lập mạng lưới an sinh xã hội cho nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Chính phủ của Tổng thống Jokowi đã chi 3.310 tỷ rupiah từ năm 2015 đến năm 2023 cho viện trợ xã hội, chiếm 2,2% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia Đông Nam Á khác, làm nổi bật tình trạng hạn chế về không gian tài chính dành cho bảo trợ xã hội ở Indonesia và nhu cầu cấp thiết về việc sử dụng hiệu quả và chiến lược các nguồn lực sẵn có.

Mặc dù số người sống trong cảnh nghèo đói tại Indonesia đã giảm từ 27,7 triệu người vào năm 2014 xuống còn 25,2 triệu người vào tháng 3/2024, nhưng không tương xứng với 3.300 tỷ rupiah mà chính phủ đã chi cho các chương trình hỗ trợ xã hội trong giai đoạn 2015-2023. Ngoài ra, khoảng 120 triệu người, chiếm 40% tổng dân số, vẫn sống gần mức nghèo đói, nghĩa là họ có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói khi điều kiện kinh tế suy giảm dù chỉ một chút.

Chính phủ của Tổng thống Jokowi cũng đã chi 4.000 tỷ rupiah cho giáo dục từ năm 2015 đến năm 2023. Nhưng điều này không chuyển hóa được thành kết quả cải thiện chất lượng giáo dục. Thành tích của học sinh Indonesia trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm kể từ năm 2015. Vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng về chất lượng giáo dục và chi tiêu cho giáo dục đại học đang thụt lùi.

Mặt khác, nợ chính phủ của Indonesia được giữ ở mức có thể quản lý được, có tính đến rủi ro và khả năng thanh toán. Việc mua nợ được quản lý theo chiến lược để giảm thiểu rủi ro, bằng cách tối ưu hóa nguồn tài chính thay thế và nguồn trong nước. Một số nhà đầu tư lớn với nhiều loại công cụ khác nhau đã giúp phân tán rủi ro và bảo đảm sự linh hoạt.

Quản lý nợ trong nước cũng được cải thiện thông qua việc mở rộng phát hành bằng đồng nội tệ, bao gồm các công cụ thông thường và luật Hồi giáo. Kỳ hạn trung bình của các khoản nợ hiện là 8 năm, hầu hết các khoản nợ bằng đồng nội tệ đã giúp Indonesia giảm rủi ro tỷ giá hối đoái, trong khi nợ nước ngoài giảm đã làm giảm tác động của dòng vốn chảy ra đối với cán cân thanh toán.

Hằng năm, Chính phủ Indonesia đã chi 500.000 tỷ rupiah cho trái phiếu đáo hạn và trả nợ gốc, bao gồm 82.000 tỷ rupiah cho nợ nước ngoài. Năm 2023, chi phí lãi vay và trả nợ của nước này tổng cộng là 937.000 tỷ rupiah, chiếm khoảng 46% tổng doanh thu thuế và 30% tổng chi tiêu của chính phủ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục