"Di sản" nặng gánh của Thủ tướng Anh Theresa May

21:42' - 07/06/2019
BNEWS Ngày 7/6, Thủ tướng Anh Theresa May chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc rời bỏ cương vị người đứng đầu chính phủ.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà May đã không ngăn nổi những giọt nước mắt khi đưa ra quyết định khó khăn này trong bài phát biểu ngày 24/5.

Đó có lẽ không chỉ là những giọt nước mắt tiếc nuối khi phải từ bỏ chức vụ thủ tướng mà bà xem là “vinh dự", mà còn là sự xót xa và bất lực khi phải bỏ dở sứ mệnh chính trị lớn lao bà đã cam kết dành trọn cho nhiệm kỳ của mình tại phố Downing: đó là đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), đúng như ý nguyện được đa số cử tri Anh thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.

Bà May là nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh trong thế kỷ 21, và mới chỉ là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử chính trường “xứ sở sương mù”, sau “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, người được tôn vinh như một thủ tướng vĩ đại của nước Anh trong giai đoạn đầy biến động cuối Chiến tranh Lạnh và đã đặt nền móng cho sự chuyển mình ngoạn mục của kinh tế Anh từ nền công nghiệp sản xuất già nua thành thị trường tài chính và dịch vụ năng động hàng đầu thế giới.

Tương tự như vậy, có lẽ bản thân Thủ tướng Theresa May và những người ủng hộ bà đều từng rất kỳ vọng rằng bà sẽ được nhớ đến như nhà lãnh đạo cứng rắn và đầy quyết tâm đã đưa nước Anh vượt qua một giai đoạn lịch sử khó khăn không kém - chia tay ngôi nhà chung EU sau gần nửa thế kỷ gắn bó và tự tìm lối đi riêng cho tham vọng lấy lại vị thế và ảnh hưởng của một “nước Anh toàn cầu”.

Tuy nhiên, cho dù có thể sau một thời gian nữa, các nhà sử học sẽ nhìn lại nhiệm kỳ của bà May và dành cho bà những đánh giá khách quan nhẹ nhàng hơn, thì hiện trong con mắt phán xét nghiệt ngã của dư luận hầu hết các giới tại Anh, bà May chỉ là một “thảm họa chính trị”, với di sản là một nước Anh chia rẽ và bế tắc hơn bao giờ hết vì Brexit, trong khi hầu như không có dấu ấn nào về đối nội.

Không chỉ được biết đến như là một trong những thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh, bà May còn gắn liền với những “kỷ lục” không hề đáng tự hào là có đến 36 quan chức chính phủ từ chức dưới thời bà lãnh đạo để phản đối thỏa thuận Brexit mà bà đã mất đến 2 năm rưỡi đàm phán với EU – thỏa thuận đã thất bại đến 3 lần trong các nỗ lực thông qua tại hạ viện, với tỷ lệ phản đối cũng ở mức kỷ lục.

Bà May “tiếp quản” từ người tiền nhiệm David Cameron di sản “bung bét” là một nước Anh đang cần đến sự thống nhất, hàn gắn và đoàn kết hơn bao giờ hết sau cuộc trưng cầu dân ý “thảm họa” năm 2016, nhưng thực tế là cách tiếp cận và tính cách có phần “cứng nhắc” của bà lại càng khiến sự chia rẽ và mâu thuẫn giữa các bên thêm nghiêm trọng.

Với một tiến trình phức tạp như Brexit, với những chia rẽ và mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm "Ở lại" hay "Ra đi", giữa đảng Bảo thủ và đối lập, giữa các nhóm dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, bà May chỉ chịu đưa ra những nhượng bộ quá muộn màng, khi mà căng thẳng giữa các bên đã bị đẩy lên quá cao, lập trường của các bên đều trở nên cứng rắn đến nỗi mọi sự nhượng bộ sau đó đều có thể bị xem là mềm yếu và thua điểm.

Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, lẽ ra nhiều nghị sĩ theo đường lối Brexit trong đảng Bảo thủ có thể đã chấp nhận một thỏa thuận trong đó nước Anh rời thị trường chung và chấm dứt đi lại tự do với châu Âu, chỉ còn ràng buộc duy nhất là liên minh hải quan tạm thời. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì hầu hết các nghị sĩ này đều coi giải pháp đó là sự phản bội không thể nào chấp nhận được đối với cử tri.

Ngược lại, các nghị sĩ Bảo thủ theo phe "Ở lại" có lẽ cũng từng chấp nhận triển vọng về một liên minh hải quan, với điều kiện phải đi kèm với một cuộc bỏ phiếu tại hạ viện về việc có tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hay không.

Nhưng đến khi bà May chấp nhận những điều kiện trên thì tất cả đã quá muộn, và sự nhượng bộ của bà bị tất cả các bên bác bỏ trước khi kịp có cả cuộc bỏ phiếu thông qua lần bốn.

Các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập cũng như các cuộc bỏ phiếu thăm dò giải pháp khác cho Brexit đều không đi đến đâu, mà nguyên nhân chủ yếu cũng là vì chỉ được thực hiện khi đã quá muộn, khi “giọt nước đã tràn ly” và không bên nào còn có thể chấp nhận giải pháp nhượng bộ lẽ ra đã khả thi nếu được đề nghị sớm hơn.

Có một điều chắc chắn là sự ra đi của bà May và sự xuất hiện một nhà lãnh đạo mới cũng sẽ không thể giải quyết được những vấn đề gai góc của nước Anh hiện tại xoay quanh Brexit.

Dù là vì nguyên nhân khách quan hay những sai lầm chủ quan, thì "di sản" mà bà May để lại cho người kế nhiệm vẫn là một nước Anh thậm chí còn chia rẽ hơn cả khi bà nhậm chức.

Tiến trình đưa nước Anh rời khỏi EU vẫn mông lung và khó dự báo hơn bao giờ hết. Mọi khả năng và kịch bản – từ một cuộc chia tay trong đổ vỡ vì không thỏa thuận, cho đến trì hoãn vô thời hạn hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình Brexit – vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Báo chí Anh so sánh quan hệ với châu Âu là “giàn thiêu” hủy hoại sự nghiệp chính trị của 4 đời thủ tướng Bảo thủ liên tiếp gần đây nhất, từ bà Margaret Thatcher đến ông John Major, ông David Cameron và bây giờ là bà Theresa May.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu danh sách này tiếp tục được nối dài vì những nguyên nhân liên quan đến Brexit khiến bà May thất bại vẫn còn nguyên đó chờ đợi người kế nhiệm bà.

Tuy nhiên, dường như viễn cảnh đáng sợ đó không hề làm giảm đi sức nóng của cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực bỏ trống.

Mặc dù phải đến ngày 10/6 tới, cuộc chạy đua mới chính thức diễn ra, nhưng trong thực tế thì nó đã bắt đầu từ rất lâu trước khi bà May đưa ra tuyên bố từ chức.

Chính trường Anh trong những tháng tới sẽ hoàn toàn xoay quanh cuộc đua trở thành chủ nhân mới của nhà số 10 phố Downing.

Đây được xem là một cuộc đua kịch tính nhất trong đảng Bảo thủ từ trước đến nay với ít nhất 13 ứng cử viên đã công khai tuyên bố tham gia.

Trong tuần tính từ ngày 10/6, đảng Bảo thủ sẽ hoàn thành việc chốt danh sách các ứng cử viên chính thức. 313 nghị sĩ Bảo thủ tại hạ viện sẽ tiến hành một loạt các vòng bỏ phiếu cho đến cuối tháng 6 để lựa chọn ra danh sách rút gọn gồm 2 gương mặt.

Sau đó toàn thể khoảng 124.000 đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc sẽ tham gia bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới.

Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được thông báo trước khi Quốc hội Anh nghỉ hè vào cuối tháng 7.

Trong thời gian từ nay đến lúc đó bà May vẫn tiếp tục lãnh đạo chính phủ trên cương vị Thủ tướng tạm quyền.

Gương mặt sáng giá nhất tại thời điểm này là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người được đánh giá là có nhiều lợi thế để trở thành Thủ tướng mới của nước Anh nếu lọt vào được danh sách rút gọn 2 ứng cử viên cuối cùng.

Cựu Ngoại trưởng Anh có được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc cũng như nhóm nghị sĩ ủng hộ Brexit cứng tại hạ viện, và cũng đang tiếp tục “ghi điểm” trong mắt của nhóm nghị sĩ "Ở lại" có quan điểm tự do.

Chẳng có gì bảo đảm ông Johnson sẽ thuyết phục được EU đàm phán lại để nước Anh có một thỏa thuận Brexit tốt hơn, nhất là liên quan đến “kế hoạch dự phòng” nhằm tránh thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland.

Nhiều nghị sĩ Bảo thủ lo ngại nếu ông Johnson không tìm kiếm được những điều khoản thay thế khả quan hơn, kế hoạch của ông nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10/2019 mà không cần thỏa thuận sẽ bị quốc hội phủ quyết, đồng nghĩa với việc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức bầu cử sớm hoặc trưng cầu Brexit lần hai.

Mặc dù vậy, nhiều nghị sĩ Bảo thủ đã phải miễn cưỡng thừa nhận rằng một nhân vật có quan điểm Brexit đến cùng như ông Boris Johnson là cần thiết để đưa đảng Bảo thủ khỏi cái hố họ đã tự đào dưới chân mình.

Ông Boris Johnson có thể là một "canh bạc mạo hiểm", nhưng nhiều khả năng sẽ thể hiện được sự linh hoạt và “quyền biến” để đưa nước Anh khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.

Tuy nhiên, lịch sử hai trăm năm của đảng Bảo thủ - đảng chính trị lâu đời nhất nước Anh – luôn đầy rẫy những bất ngờ.

Tất cả những cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng này từ trước đến nay luôn chứng minh một thực tế là “kẻ nào vung gươm thì hiếm khi được đội vương miện” – đồng nghĩa với việc những ứng cử viên sáng giá nhất lại thường phải nhường chỗ cho một nhân vật ít tên tuổi hơn.

Ông Boris Johnson từng là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua năm 2016, để rồi bị chính người phụ trách chiến dịch tranh cử của mình khi ấy là Michael Gove “phản bội”.

Hiện tại ông Michael Gove cũng là đối thủ đáng gờm nhất đối với cựu Ngoại trưởng Boris Johnson nhờ những thành tích chính trị nổi bật trên các chức vụ khác nhau, từ Bộ trưởng Giáo dục đến Bộ trưởng Môi trường.

Dù lãnh đạo mới của nước Anh là ai thì cũng vẫn sẽ phải vật lộn với những vấn đề đã hủy hoại bà May: một đất nước cùng một đảng cầm quyền chia rẽ vì Brexit; một hệ thống chính trị tê liệt vì căng thẳng giữa các đảng phái và mâu thuẫn giữa dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp; mối quan hệ căng thẳng với một EU đang nắm nhiều lá bài có lợi...

Rất có thể bà May sẽ không phải là nhà lãnh đạo cuối cùng của nước Anh phải "khóc" vì Brexit./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục