Đi tìm lời giải cho bài toán đầu tư hạ tầng của Ấn Độ

05:30' - 22/12/2019
BNEWS Ấn Độ đang cần tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào nền tảng cơ sở hạ tầng mỗi năm, lên mức 200 tỷ USD để có thể đạt mục tiêu quy mô nền kinh tế 10.000 tỷ USD vào năm 2032.
Đi tìm lời giải cho bài toán đầu tư hạ tầng của Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là kết quả cuộc Khảo sát kinh tế hàng năm của Chính phủ Ấn Độ do Bộ Tài chính thực hiện. Tại quốc gia Nam Á này, các khoản đầu tư vào những hạng mục hạ tầng nội địa như đường bộ, đường sắt và sân bay là một trong những yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay, đầu tư công của nước này vào phát triển hạ tầng chỉ dừng lại ở mức 100-110 tỷ USD so với mục tiêu là 200 tỷ USD. Sự hạn chế đó đã tạo ra một khoản thâm hụt lên đến 90 tỷ USD cần được lấp đầy bởi những “cách tiếp cận sáng tạo hơn”.

Thu hút vốn tư nhân

Phần lớn các chuyên gia cho rằng, New Delhi cần phải đẩy nhanh việc thu hút dòng vốn tư nhân đổ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ xây dựng của nước này đang được duy trì ở mức cao. 

Một trong những Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của New Delhi là nhằm mục đích phát triển hạ tầng chất lượng, đáng tin cậy, bền vững ở cấp khu vực và xuyên quốc gia để hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như phúc lợi của người dân. Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận rằng: "Để tạo ra một nền kinh tế trị giá 10.000 tỷ USD vào năm 2032, Ấn Độ cần một nền tảng hạ tầng mạnh mẽ và kiên cường, song đầu tư công không thể tài trợ toàn bộ nhu cầu này”.

Trong lĩnh vực đường cao tốc, những hạn chế lớn mà New Delhi phải đối mặt là nguồn tiền đầu tư để tài trợ cho việc xây dựng các dự án cũng như quá trình thu hồi đất và bồi thường. Bên cạnh đó là những rủi ro về môi trường, sự quá hạn cùng nguy cơ vượt ngân sách do những chậm trễ về thủ tục trong việc thực hiện dự án.

Có một thực tế là nguồn vốn tư nhân thường chỉ bị hút vào những lĩnh vực đã phát triển và những khoản đầu tư ngắn hạn. Do đó, thách thức thực sự nằm ở việc làm sao để thu hút đầu tư tư nhân bên cạnh nguồn vốn từ khu vực công, đặc biệt là những dự án dài hơi như dự án đường bộ. 

Một trong những phương án được các quan chức Chính phủ ủng hộ là thay đổi mô hình hợp tác công tư truyền thống (PPP) để tạo ra một mô hình chia sẻ rủi ro công bằng hơn giữa Chính phủ và lĩnh vực tư nhân. Điều này sẽ giúp làm giảm rủi ro dự án của các đối tác tư nhân cũng như cải thiện tình trạng tắc nghẽn khi tìm kiếm các khoản vay ngân hàng và các công cụ tài chính khác của doanh nghiệp. 

Khi kế hoạch này được thực hiện, Chính phủ sẽ không chỉ chào đón dòng vốn tư nhân vào những dự án hạ tầng thâm dụng vốn được xây dựng từ đầu như dự án xây dựng nhà ga số 3 ở sân bay Delhi và các sân bay ở Bengaluru và Hyderabad mà sẽ nhường lại những tài sản đã thành hình  như đường bộ, sân bay và nhà ga trong các hợp đồng cho thuê dài hạn để khu vực tư nhân tự vận hành và bảo trì. 

Mô hình này là một bản sao của hai phương án hợp tác đã được New Delhi thực hiện trong quá khứ và cần được nhân rộng. Phương án đầu tiên là mô hình TOT, được phát triển để khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực đường cao tốc. Với mô hình này, đối tượng tiếp quản (lĩnh vực tư nhân) sẽ chỉ phải trả một khoản phí nhượng quyền để được phép vận hành và thu phí đối với những tài sản trên trong thời gian là 30 năm. 

Phương án thứ hai, để đáp ứng các yêu cầu thương mại ngày càng tăng trong bối cảnh cầu cũng đang vượt cung ở lĩnh vực hàng không dân dụng, Chính phủ Ấn Độ đã cho thuê 6 sân bay trước đây từng do Cơ quan Hàng không Sân bay Ấn Độ (AAI) vận hành tại các thành phố Guwahati, Lucknow, Jaipur, Ahmedabad, Mangalore và Thiruvananthapuram để đẩy mạnh doanh thu.

Huy động nguồn vốn nước ngoài và các chính sách doanh nghiệp

Cùng với những góc cạnh kinh tế kể trên, năng lượng cũng là lĩnh vực mà Ấn Độ đang hướng tới. Phát biểu tại một phiên họp Sáng kiến Đầu tư Tương lai 2019 ở Riyadh (Saudi Arabia), Thủ tướng Narendra Modi khẳng định New Delhi đang mang đến cơ hội đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. 

Theo Thủ tướng Modi, Ấn Độ dự định đầu tư 100 tỷ USD vào hoạt động lọc dầu, đường ống và trạm khí đốt từ nay đến năm 2024 để tạo ra cơ sở hạ tầng năng lượng, trong đó bao gồm cả thu hút đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Ấn Độ cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với việc tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia đã quyết định đầu tư vào Dự án nhà máy lọc dầu bờ Tây Ấn Độ (bang Maharashtra) - nhà máy lọc dầu lớn nhất ở châu Á. 

Đề cập đến các sáng kiến khác nhau của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, ông Modi lưu ý Ấn Độ đã cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về Chỉ số thuận lợi kinh doanh, Chỉ số hoạt động hậu cần (logistic) và Chỉ số đổi mới sáng tạo. 

Ông kêu gọi các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của phong trào khởi nghiệp khi cho rằng Ấn Độ đã trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba trên thế giới và mang lại lợi nhuận cao nhất cho các nhà đầu tư. Ấn Độ đang tập trung vào phát triển kỹ năng và 400 triệu người sẽ được đào tạo các kỹ năng khác nhau trong 3-4 năm tới.

Cũng theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, ổn định chính trị cùng với tính minh bạch về chính sách đang mang đến một cơ hội đặc biệt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Ấn Độ không nên bỏ lỡ cơ hội này. Ông Modi đề cập đến một số cải cách về Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và Bộ luật phá sản (IBC) để hỗ trợ quá trình tăng trưởng; đồng thời nhấn mạnh Chính phủ sẽ đầu tư 1.400 tỷ USD để xây dựng các bến cảng, đường cao tốc, đường sắt, sân bay, bệnh viện và các cơ sở giáo dục hiện đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục