Đi tìm nguyên nhân khiến giá lương thực thế giới liên tục giảm

06:30' - 11/02/2024
BNEWS Giá lương thực thế giới đã giảm 10,4% trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đó. Như vậy, chỉ số lương thực toàn cầu đã giảm năm thứ ba liên tiếp.
Các bao gạo được bày bán tại một siêu thị ở Penang, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo Độc lập của Nga ngày 4/2 dẫn số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), cho biết giá lương thực thế giới đã giảm 10,4% trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước đó. Như vậy, chỉ số lương thực toàn cầu đã giảm năm thứ ba liên tiếp.

Các nhà phân tích lưu ý xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã chậm lại trong những tháng gần đây. Theo các chuyên gia của FAO, trong tháng Giêng, giá lương thực thế giới đã giảm 1% so với tháng 12/2023 và giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu thực vật trong tháng Giêng giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước, còn đối với các sản phẩm sữa, giá cũng giảm 17,8%. Cũng theo FAO, mặt hàng thịt đã trở nên rẻ hơn trên thế giới trong tháng thứ 7 liên tiếp; xét theo giá trị hàng năm, mức giảm là 1,2%. Tuy nhiên, cũng có những thực phẩm tăng giá. Ví dụ giá đường tháng 1/2024 tăng gần 16% so với một năm trước đó.

Giá lương thực trung bình trên thế giới giảm chủ yếu là do giá ngũ cốc ngày càng rẻ hơn. FAO giải thích: “Trong tháng Giêng, giá lúa mỳ xuất khẩu trên thế giới giảm được ghi nhận do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu và sự xuất hiện nguồn cung sản lượng mới từ các nước Nam Bán cầu, trong khi giá ngô xuất khẩu trên thế giới cũng giảm mạnh do mùa vụ được cải thiện và bắt đầu vụ thu hoạch ở Argentina, đồng thời cũng do nguồn cung từ Mỹ tăng lên”. So với tháng 12/2023, giá ngũ cốc đã giảm 2,2%, tính theo năm mức giảm là 18,6%.

Nhiều khả năng giá ngũ cốc sẽ tiếp tục giảm. FAO nhấn mạnh tới sản lượng ngũ cốc cao kỷ lục trong năm ngoái. Theo ước tính của FAO, 2,8 tỷ tấn ngũ cốc đã được sản xuất trong năm 2023, cao hơn 1,2% so với hồi năm 2022. FAO cũng không loại trừ khả năng ở một số quốc gia, diện tích gieo trồng có thể giảm. Các chuyên gia của FAO dự tính diện tích trồng lúa mỳ ở Ukraine sẽ tiếp tục giảm. Tổ chức của Liên hợp quốc giải thích: “Tại Ukraine, trong bối cảnh chi phí nguồn lực sản xuất tăng cao, giá sản phẩm do nông dân sản xuất vẫn ở mức thấp, làm giảm khả năng sinh lời và tính thanh khoản của tài sản”. FAO cũng cho rằng những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến việc giảm diện tích gieo trồng.

Tại Nga, theo FAO, hầu hết lúa mỳ vụ Đông đều ở tình trạng tốt. Các nhà phân tích cảnh báo: “Tuy nhiên, việc nhiệt độ cao bất thường ở các vùng sản xuất lúa mỳ trọng điểm miền Nam và nhiệt độ giảm mạnh sau đó có thể khiến một số loại cây trồng đóng băng”.

Dự báo tiêu thụ ngũ cốc cho mùa vụ 2023–2024 đã được điều chỉnh. Các chuyên gia cho rằng mức tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu sẽ là khoảng 2,8 tỷ tấn. Tỷ lệ dự trữ ngũ cốc trên thế giới so với mức tiêu thụ sẽ là 31,1%, cao hơn mức 30,9% ở thời điểm cuối vụ nông nghiệp vừa qua.

Theo dự báo của FAO, tiêu thụ lúa mỳ toàn cầu sẽ đạt gần 800 triệu tấn trong năm nay, cao hơn 15,4 triệu tấn so với năm 2023. Khối lượng tiêu thụ ngũ cốc thô dự kiến sẽ tăng 1,3% so với năm nông nghiệp trước đó và đạt 1,5 tỷ tấn.

 

Bất chấp dự kiến tiêu thụ lúa mỳ tăng trong năm nay, thương mại lúa mỳ toàn cầu được cho là vẫn sẽ giảm. FAO cho rằng trong niêm vụ hiện nay, khối lượng trao đổi lúa mỳ toàn cầu sẽ ở mức gần 200 triệu tấn, thấp hơn 1,3% so với năm 2023. Dự kiến khối lượng ngũ cốc được trao đổi trên thế giới trong năm nay là 480 triệu tấn, cao hơn 0,8% so với dự báo của mùa trước.

Bộ Nông nghiệp Nga dự kiến ít nhất 65 triệu tấn ngũ cốc sẽ được xuất khẩu trong niên vụ hiện nay. Vào cuối tháng Giêng, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga ông Dmitry Patrushev cho biết, trong năm 2023, sản lượng thu hoạch ngũ cốc ở Nga lên tới 143 triệu tấn, tính cả các khu vực mới là khoảng 147 triệu tấn. Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu nông sản năm 2023 của Nga lần đầu tiên vượt mức 45 tỷ USD trong khi trong năm 2022, Nga xuất khẩu số nông sản trị giá 41,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc giá ngũ cốc thế giới tiếp tục giảm có thể làm suy yếu tiềm năng xuất khẩu lúa mỳ của Nga. Cuối tuần trước, Liên minh các nhà xuất khẩu ngũ cốc Nga đã đánh giá kết quả tháng Giêng và cho biết, kể từ đầu niên vụ này (1/7/2023-30/6/2024), Nga đã xuất khẩu 38,5 triệu tấn ngũ cốc, cao hơn 23% so với cùng kỳ mùa trước. Nguồn cung lúa mỳ tăng 13% và đạt 29,5 triệu tấn, theo Liên minh này.

Theo số liệu của Liên minh, một số khách hàng mua ngũ cốc lớn của Nga đang giảm khối lượng mua. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua gần 5 triệu tấn trong niên vụ hiện nay, song con số này thấp hơn 19,4% so với một năm trước đó. 4,1 triệu tấn ngũ cốc được xuất khẩu sang Iran, giảm 5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Ai Cập đã mua 3,5 triệu tấn, thấp hơn 21% so với một năm trước đó. Đồng thời, Nga đã tăng nguồn cung cho Bangladesh và Saudi Arabia.

Và nếu nhìn chung xuất khẩu ngũ cốc của Nga vẫn tăng trưởng, thì xét theo tháng, nguồn cung đã giảm. Tính từ ngày 1-21/1, Nga đã xuất khẩu 2,6 triệu tấn ngũ cốc, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước, theo giám sát của Liên minh ngũ cốc Nga (RGU). Xuất khẩu lúa mỳ trong cùng kỳ giảm 29%, xuống mức 2,1 triệu tấn.

“Sự sụt giảm xuất khẩu có thể chủ yếu liên quan đến việc giảm xuất khẩu sang Ai Cập. Nước này đứng đầu trong bảng xếp hạng người mua, nhưng lượng hàng đã giảm 38,5%, xuống còn 448.000 tấn. Lúa mỳ xuất khẩu sang Pakistan giảm 40% xuống còn 231.000 tấn. Ngoài ra, 187.500 tấn lúa mỳ được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, giảm 57% so với cùng kỷ năm trước, xuất khẩu sang Algeria ở mức 135.500 tấn (giảm 18%)”, bà Elena Tyurina, Giám đốc bộ phận phân tích của RGU cho biết. Đồng thời, xuất khẩu sang Saudi Arabia giảm 54%, sang Yemen giảm 38%.

Theo RGU, tổng cộng từ 2,8-3 triệu tấn lúa mỳ có thể đã được xuất khẩu trong tháng 1/2024, so với mức 3,8 triệu tấn vào tháng 1/2023. Trung tâm phân tích Rusagrotrans, trong tháng 1/2023, Nga đã xuất khẩu khoảng 3,7 triệu tấn lúa mỳ so với mức 4,26 triệu tấn vào tháng 1 năm ngoái. Do đó, mức giảm là 13%”.

Giới phân tích cho rằng nhu cầu lúa mỳ từ các nhà xuất khẩu đã tăng trước khi áp dụng hạn ngạch xuất khẩu từ ngày 15/2 đến hết tháng 6/2024. Có lẽ, một số thương nhân đang cố gắng hoàn thành hợp đồng xuất khẩu của họ trước thời hạn này. Tính đến ngày 30/1, khối lượng hợp đồng mua bán lúa mỳ Nga đã lên tới 2,3 triệu tấn, so với mức 1,9 triệu tấn của hai tuần trước đó. Các chuyên gia cho rằng nhu cầu lúa mỳ tăng từ các nhà xuất khẩu có thể tạm thời hỗ trợ giá ở thị trường nội địa.

Hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc trong giai đoạn từ ngày 15/2 đến ngày 30/6/2024 được ấn định ở mức 24 triệu tấn đối với lúa mỳ, ngô, lúa mạch và lúa mạch đen, không phân chia theo từng loại cây trồng. Hạn ngạch được phân phối giữa các thương nhân tùy thuộc vào tỷ trọng lô hàng của họ trong tổng khối lượng xuất khẩu từ tháng 7 đến tháng 12/2023. Các chuyên gia nghi ngờ khả năng Nga có thể lặp lại những thành công xuất khẩu trong những năm qua.

Giám đốc khoa học Dmitry Zhuravlev của Viện các vấn đề khu vực cho biết, sự xuất hiện của ngũ cốc dư thừa sẽ dẫn đến nhu cầu phát triển lĩnh vực chăn nuôi với tốc độ nhanh hơn. Nhà phân tích tài chính Vladislav Antonov của BitRiver cho rằng Nga rất có khả năng giữ được vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu lúa mỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục