Dịch bệnh COVID-19 ở châu Á và bài học cảnh tỉnh cho các nước

16:25' - 04/05/2021
BNEWS Thế giới đang một lần nữa chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 và tâm điểm giờ đây là châu Á. Làn sóng thứ nhất, thứ hai, thậm chí là thứ ba, thứ tư đã diễn ra ở rất nhiều quốc gia.

Thực tế diễn biến của dịch COVID-19 đang diễn ra ở Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia  khiến các hoạt động bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí bị đảo lộn nhiều mặt về kinh tế-xã hội.

* Châu Á - điểm nóng về COVID-19

Tại châu Á, dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn trong 1 tuần qua, với tổng số ca nhiễm tăng tới 7%. Trong 24 giờ qua, Indonesia, Philippines và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 4.700 ca đến 7.200 ca.

Tính đến ngày 4/5, tâm điểm dịch trên thế giới vẫn là Ấn Độ với số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua vẫn ghi nhận ở mức rất cao - hơn 355 nghìn ca, chiếm hơn 53% tổng số ca mắc mới của toàn thế giới.

Như vậy trong liên tiếp 13 ngày qua, Ấn Độ đã ghi nhận trên 300 nghìn ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, trong đó riêng ngày 30/4 ghi nhận hơn 400 nghìn ca. Hiện Ấn Độ đã có tổng số ca nhiễm vượt hơn 20,27 triệu, đứng thứ hai toàn cầu về số ca nhiễm, chỉ sau Mỹ.

Ấn Độ hiện được ví như đang trải qua một cơn “đại hồng thủy” mang tên COVID-19. Không ai có thể tưởng tượng được rằng, vào khoảng tháng 1 và tháng 2, khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai và số ca dương tính ở Ấn Độ đã giảm mạnh, nhưng sau đó người dân đã ngừng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Và ở tại thời điểm đó, virus thực chất đã đột biến và lây lan mạnh hơn. Chính sự nóng vội của người dân để trở lại với nhịp sống bình thường đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn ở Ấn Độ.

Tại Nhật Bản, trong những tuần qua tình hình dịch COVID-19 tại Nhật Bản đã diễn biến theo chiều hướng xấu. Ngày 4/5, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân COVID-19 thể nặng ở nước này tăng thêm 34 người, lên hơn 1 nghìn người, mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày thứ hai liên tiếp.

Số bệnh nhân thể nặng chiếm đến 50% số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt của một số tỉnh, trong đó có Osaka và Hyogo.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản một lần nữa phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 4 vừa qua.

Đây là lần ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây. Quyết định này tuy gây thiệt hại đáng kể đối với nền kinh tế Nhật Bản, nhưng được xem là bước đi cần thiết để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng hơn mà đại dịch có thể gây ra trong tương lai.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, nếu như năm ngoái, Campuchia là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19, thì đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đã diễn biến khá phức tạp chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Từ sau sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2 đến nay, dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia ngày càng bùng phát dữ dội hơn.

Trong vòng 24 giờ qua, Campuchia đã ghi nhận 938 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 16,2 nghìn ca nhiễm và có 107 ca tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chính phủ Campuchia đã quyết định thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh hai tuần, từ đêm ngày 14 đến 28/4.

Đến tối ngày 3/5 vừa qua, chính phủ Campuchia đã công bố quyết định dỡ lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 đối với Phnom Penh và thành phố tiếp giáp thủ đô là Ta Khmao (thuộc tỉnh Kandal), có hiệu lực kể từ ngày 6/5.

Tuy nhiên, chính quyền thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal khẳng định sẽ vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với một số khu vực thuộc hai địa bàn trên, cũng như những biện pháp cần thiết để phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19.

Còn tại Lào, hiện tại dịch bệnh tại Lào rất phức tạp. Lào đã ghi nhận 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 1 năm qua là vào ngày 11/4/2021.

Chỉ trong vòng 1 tháng, dịch COVID-19 đã lan ra 15 trong tổng số 18 tỉnh, thành phố của Lào. Và 18/18 tỉnh, thành phố của Lào đã buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa.

Tính tới ngày 3/5, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã là 966 ca, trong đó có hơn 900 ca được phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Viêng Chăn.

Bộ Y tế Lào cho biết một số bệnh nhân mới được ghi nhận đã di chuyển ra nhiều tỉnh bằng cả đường bộ và đường hàng không, gây ra lo ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên diện rộng.

Đặc biệt, biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh được cho là nguyên nhân chính khiến dịch COVID-19 tại Lào lan rộng ra nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Trước diễn biến của dịch, chính phủ Lào đã khẩn trương chuẩn bị thêm các giường bệnh để tiếp nhận điều trị cho những người bị bệnh.

Làn sóng COVID-19 lần thứ 3 cũng đang đe dọa đẩy hệ thống y tế Thái Lan vào tình trạng quá tải. Nước này đã ghi nhận gần 3 nghìn ca mắc mới COVID-19 trong ngày 24/4, được xem là số ca mới theo ngày cao nhất tại Thái Lan. Tuy nhiên đến ngày 4/5, Thái Lan ghi nhận hơn 1,7 nghìn ca mắc mới trong ngày, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 72,7 nghìn ca.

Những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch đầu tiên như Indonesia, Malaysia đến nay cũng chưa thể kiểm soát đà lây lan của virus SARS-CoV-2 khi mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới.

Trong khi đó, với hơn 1 triệu ca mắc, trong đó hơn 16 nghìn người đã tử vong, Philippines là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á.

Chính phủ Philippines đang cố gắng đẩy nhanh công tác tiêm chủng, tuy nhiên do thiếu vaccine khiến công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn.

* Bài học cảnh tỉnh cho thế giới

Từ những gì đang diễn ra ở Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng, đây cũng sẽ là bài học cho nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang phải đối phó với các đợt lây nhiễm mới.

Đã đến lúc việc tuân thủ các chỉ dẫn y tế trong phòng chống COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là điều quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, mỗi người dân.

Bài học trước hết là không được phép chủ quan, lơ là. Khi số ca dương tính giảm mạnh và chương trình tiêm chủng được triển khai, người dân ở Ấn Độ đã ngừng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Chính sự nóng vội của người dân để trở lại với nhịp sống bình thường đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Thứ hai là đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Hiện tại, rõ ràng tiêm phòng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và bảo vệ người dân trước nguy cơ dịch tái bùng phát. Thực tế nhờ nỗ lực tiêm phòng hiệu quả và thành công, Israel hiện đã có thể nới lỏng một số biện pháp hạn chế chống COVID-19.

Thứ ba là lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những làn sóng mới của đại dịch. Ấn Độ bước vào năm 2021 với dự báo lạc quan rằng dịch bệnh đang bị đẩy lùi, các chỉ số kinh tế tăng lên, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp lên cao. Nước này chưa bao giờ nghĩ rằng làn sóng thứ hai sẽ ập đến dữ dội như vậy chỉ trong vòng vài tháng.

Tâm lý tự mãn đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc men, vật tư y tế và giường bệnh không thể lường trước. Thực tế cho thấy, ngay cả một số quốc gia giàu mạnh nhất thế giới cũng có thể bị đẩy vào thế không sẵn sàng và để lộ sự thất bại chung trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp.

Thứ tư là triển khai các công cụ khoa học mới nhất để đối phó với các biến thể mới của virus, như tăng cường giải trình tự gen của các mẫu dương tính để nhanh chóng nắm bắt các biến thể mới khi virus đột biến. Dữ liệu quan trọng này sẽ cho phép chính phủ cập nhật các chiến lược chống virus dựa trên các biến thể mới.

Thứ năm là tăng cường quản trị dữ liệu. Cần có sự hợp tác hiệu quả và chặt chẽ hơn giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời kỳ đại dịch. Ấn Độ cần thành lập một trung tâm chỉ đạo ứng phó COVID-19, với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân, để xác định, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thời gian thực về kho dược phẩm, oxy, giường bệnh…

Việc thành lập kho dữ liệu cấp bang hoặc cấp trung ương thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP), có thể giúp người dân truy cập các dữ liệu tiêu chuẩn và tìm kiếm những nguồn lực y tế cần thiết, từ đó tránh xảy ra những cảnh đau thương và ca tử vong không đáng có.

Trong bối cảnh châu Á đang đối mặt với làn sóng COVID-19 mới, chủ động ngăn ngừa dịch, kiểm soát các ca lây nhiễm mới được các quốc gia đặc biệt quan tâm, khi nhiều nước trong khu vực có hệ thống y tế yếu kém để chống đỡ dịch bệnh.

Nhận định về giải pháp cho khu vực, ông Jonathan Ostry, Phó Giám đốc Vụ châu Á Thái Bình Dương, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định: Khu vực ASEAN đang trong bối cảnh bùng phát trở lại của đại dịch. Vì vậy việc triển khai vaccine là cần thiết. Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, thúc đẩy kế hoạch tiêm phòng sẽ tốn kém về mặt kinh tế nhưng là cần thiết hiện nay đối với khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục