Dịch COVID-19: Cần Thơ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

17:03' - 18/02/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đã khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp tại Cần Thơ bị giảm sút từ 20-50% so với cùng kỳ.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN 

Ngày 18/2, UBND thành phố Cần Thơ đã chủ trì cuộc họp với các sở ban ngành có liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đều cho rằng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị giảm sút ở tất cả các lĩnh vực, từ 20 đến 50% doanh thu so với cùng kỳ, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại...

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, riêng lĩnh vực nhà hàng khách sạn giảm đến 50% doanh thu do khách hủy các đơn hàng.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất hỗ trợ lãi vay ngân hàng và thời gian đáo hạn ngân hàng, hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời thành phố Cần Thơ cần có một kịch bản dự báo tình hình trong thời gian tới để doanh nghiệp biết và chuẩn bị đối phó tốt hơn...

Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai lời kêu gọi của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là thành lập liên minh kích cầu ở những nơi nào không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng không nhiều để tiếp tục kích cầu ngay trong thời điểm có dịch; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp trong khu vực tham gia.

Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm điểm kích cầu đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đưa khách từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và khách quốc tế vào tham quan, lưu trú...

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn do tác động của dịch bệnh.

Các lễ hội, giải thi đấu thể dục thể thao trên địa bàn đều tạm ngưng trong tháng 2 và tháng 3. Các doanh nghiệp kiến nghị với UBND thành phố Cần Thơ và ngành y tế thành phố cần chia sẻ thông tin "Cần Thơ là điểm đến an toàn" để các doanh nghiệp thực hiện các chương trình kích cầu.

Hiện các doanh nghiệp lữ hành đã có các chương trình kích cầu trong nội bộ đồng thời các địa phương trong vùng đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các chương trình kích cầu tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố như các doanh nghiệp chế biến gạo và thủy sản đang làm hết công suất do nguồn nguyên liệu dồi dào và tập trung sản xuất, chế biến phục vụ cho xuất khẩu.

Riêng đối với các doanh nghiệp làm dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các tour tuyến du lịch thì có giảm từ 20% đến 50% tùy đối tượng.

Đối tượng là sinh viên, học sinh từ các tỉnh lân cận với số lượng trên 50.000 người đến với thành phố để học tập nhưng hiện nay đang nghỉ học cũng làm giảm nhu cầu thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Đối với nhu cầu khẩu trang y tế phục vụ cho người dân trên địa bàn hiện nay, ông Toại cho biết các doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu nhân công...  nên không có khả năng cung cấp theo yêu cầu của ngành công thương Cần Thơ.

Riêng đối với khẩu trang vải trên địa bàn hiện còn bán rất nhiều nhưng người dân ít sử dụng nên rất cần có sự khuyến khích của các cơ quan chức năng để người dân sử dụng các sản phẩm này.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay tất cả các ngành đều bị thiệt hại, có những ngành bị thiệt hại trước mắt nặng nề như các ngành du lịch, dịch vụ... nhưng cũng có những doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lâu dài có thể dẫn đến phá sản, công nhân thất nghiệp...

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN  

Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát khống chế thì thiệt hại sẽ càng rất lớn.

VCCI Cần Thơ đã làm việc với các doanh nghiệp lớn trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để ghi nhận thông tin để báo cáo và cùng kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, đối với thành phố Cần Thơ, giải pháp trước tiên là phải ổn định tâm lý cho công nhân lao động về tình hình dịch bệnh trong các doanh nghiệp lớn thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là thông qua các mạng xã hội.

Thành phố Cần Thơ cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác y tế dự phòng trong các doanh nghiệp có đông công nhân thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cũng như hướng dẫn về phương pháp giữ gìn vệ sinh an toàn.

Thành phố Cần Thơ cũng cần chỉ đạo Cục thuế thành phố gia hạn thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là thuế giá trị gia tăng.

Các doanh nghiệp cần chủ động tính toán trong vấn đề lợi ích giữa doanh nghiệp với khách hàng đồng thời cần phải thận trọng trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh trước tình hình dịch bệnh chưa thể lường trước được.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, việc phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân hiện nay là quan trọng nhất. Tuy nhiên, vừa phải phòng chống dịch nhưng cũng phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN  

Đối với kiến nghị của các doanh nghiệp thì Sở Công Thương thành phố cần phải hết sức quan tâm, nhất là đối với khẩu trang y tế cần khai thác các nguồn hàng từ các doanh nghiệp lớn của cả nước để phục vụ cho người dân trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam cũng giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố ghi nhận và sớm trao đổi với các cơ quan hữu quan xem xét các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phù hợp, đồng thời, báo cáo cho UBND thành phố xem xét giải quyết.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần theo sát diễn biến của tình hình dịch bệnh, các hướng dẫn, động thái của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện các chương trình kích cầu du lịch ngay khi có thể.

Sở Công Thương cần lưu ý các chương trình kích cầu tiêu dùng, thương mại trên địa bàn để thúc đẩy tiêu dùng. Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ  đến công tác phòng chống dịch ngay trong doanh nghiệp.../.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục