Dịch COVID-19: FPT vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao

16:29' - 31/03/2020
BNEWS Sự chuyển biến của dịch bệnh COVID-19 tạm thời chưa có ảnh hưởng đến FPT trong ngắn hạn. Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục tác động tích cực đến mảng xuất khẩu phần mềm.

Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành đang phải “gồng mình” duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trước diễn biến phức tạp từ dịch bệnh COVID-19 thì Công ty cổ phần FPT (HOSE: FPT) vẫn được nhận định sẽ có tăng trưởng khả quan cho năm 2020. FPT cũng vừa công bố kế hoạch kinh doanh với các mục tiêu tăng trưởng tích cực.

Theo các chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, sự chuyển biến của dịch bệnh COVID-19 tạm thời chưa có ảnh hưởng đến FPT trong ngắn hạn. Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục tác động tích cực đến mảng xuất khẩu phần mềm.

Ông Hoàng Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số FPT cho biết, từ năm 2019, FPT đã bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Với việc phát triển hệ sinh thái bao gồm hơn 60 nền tảng, giải pháp Made by FPT đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, tài chính, giao thông, y tế, giáo dục...

Thực tế, diễn biến dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, nhưng FPT vẫn tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận cao.

FPT vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Cụ thể, trong năm 2020, FPT lên kế hoạch doanh thu đạt hơn 32.450 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước; trong đó, doanh thu khối công nghệ đạt 18.800 tỷ đồng, doanh thu khối viễn thông và khối giáo dục, đầu tư lần lượt đạt 11.810 tỷ đồng và 1.840 tỷ đồng. FPT cũng đưa ra kế hoạch lãi trước thuế đạt 5.510 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cao trong những năm tới, trong năm 2020, FPT sẽ tập trung vào các hoạt động chính. Theo đó, đối với khối công nghệ, FPT sẽ đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu văn phòng dài hạn với chi phí hợp lý, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) và hệ thống công nghệ thông tin cho mở rộng kinh doanh.

Với khối viễn thông, FPT lên kế hoạch đầu tư hạ tầng viễn thông cho mở rộng kinh doanh, đầu tư tuyến trục Bắc Nam, tuyến cáp biển và trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, FPT cũng đưa ra kế hoạch sẽ đầu tư cơ sở giáo dục mới.

Trong năm 2020, FTP cũng dự kiến chi 4.710 tỷ đồng để đầu tư; trong đó 1.675 tỷ đổng cho khối công nghệ, 2.413 tỷ đồng cho khối viễn thông và khối giáo dục là 622 tỷ đồng.

Theo FPT, năm 2019, chi tiêu công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyển đổi số tăng  mạnh với giá trị trên 1.100 tỷ USD, tăng gần 18% so với năm 2018. Chi tiêu cho công nghệ nói chung và đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đối số tiếp tục được dự báo có tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm tới.

FPT cho rằng, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là hệ sinh thái các nền tảng, chuyển đổi số. Năm 2019, tổng doanh thu từ nhóm khách hàng Fortune Golobal 500 (bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số, được biên soạn và xuất bản hàng năm bởi tạp chí Fortune) tăng 40%, chiếm tới 44% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn.

Nguồn lực công nghệ cũng tiếp tục tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Nhân sự khối công nghệ của FPT hiện hơn 17.600 người, chiếm tới 61,3% nhân sự toàn tập đoàn; trong đó có 2.510 nhân sự tham gia các dự án chuyển đổi số, tăng 132% so với năm 2018 và chiếm 14,2% nhân sự khối công nghệ.

FPT hiện sở hữu 4 tổ hợp giáo dục tại 4 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh.

FPT dẫn số liệu từ Cục Viễn thông – Bộ Thông tin Truyền thông cho thấy, tốc độ tăng trưởng thuê bao Internet băng thông rộng của Việt Nam hiện đạt 13,8%/năm. Mục tiêu dài hạn của FPT là duy trì tăng trưởng thuê bao bền vững và cao hơn mức tăng trưởng chung của thị trường với mức tăng khoảng 15%/năm.

Thực tế, dù là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhưng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn tăng cao. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của FPT cho 2 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 4.182 tỷ đồng và 698 tỷ đồng, tăng 18,4% và 22,4% so với năm 2019, lần lượt tương đương 99% và 102% kế hoạch lũy kế.

Tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn cải thiện so cùng kỳ năm ngoái, đạt 16,7% (năm 2019 đạt 16,1%). Với chiến lược chuyển đổi số, năm 2020, FPT kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao của năm 2019; trong đó, khối công nghệ là động lực tăng trưởng chính.

Thị trường nước ngoài mang về cho FPT 1.877 tỷ đồng doanh thu, tăng 26,4% và 256 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế thị trường nước ngoài đóng góp vào kết quả hợp nhất của Tập đoàn đạt 45% và 37%. Cùng kỳ năm ngoái là 42% và 36%.

Khối công nghệ của FPT có lợi nhuận trước thuế đạt 235 tỷ đồng, tăng trưởng 36,9%, chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài, trong khi đó, hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin trong nước đi ngang.

Về dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng 31,4% và 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế đạt 13,3%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu quốc tế của FPT tăng trưởng nhanh trên mọi thị trường. Trong 2 tháng đầu năm 2020, thị trường châu Âu và thị trường châu Á – Thái Bình Dương (APAC) là điểm sáng khi lần lượt tăng trưởng ấn tượng 41% và 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ tăng trưởng tích cực ở mức 38%. Thị trường Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng 17%, tương đương năm 2019.

Khối viễn thông của FPT có doanh thu đạt 1.762 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%, chủ yếu đến từ dịch vụ viễn thông. Dịch vụ viễn thông cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 13,4% và 46,6% so với cùng kỳ.

Theo Tập đoàn này, lợi nhuận trước thuế dịch vụ viễn thông trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái là do lợi nhuận những tháng đầu năm 2019 thấp khi tăng chi phí khuyến mại, marketing. Doanh thu cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng tới các cá nhân và hộ gia đình ghi nhận tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, đạt 1.065 tỷ đồng nhờ tăng trưởng tốt số lượng thuê bao Internet.

Khối giáo dục, tại thời điểm cuối tháng 2 năm 2020, tổng số học sinh khối giáo dục đạt xấp xỉ 46.000 học sinh, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục