Dịch COVID-19 kìm hãm các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Mỹ

12:42' - 22/02/2020
BNEWS Hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của Mỹ đã chững lại trong tháng Hai trước những lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ do IHS Markit công bố đã giảm xuống 49,4 điểm trong tháng Hai, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 53 điểm của các chuyên gia trong cuộc khảo sát của hàng tin Reuters, và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013. Con số này cho thấy ngành dịch vụ, vốn chiếm gần 2/3 nền kinh tế Mỹ đang suy thoái lần đầu tiên để từ năm 2016.

Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo chỉ cách ranh giới suy thoái trong “gang tấc”, khi chỉ số PMI ở mức 50,8 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019 và giảm so với mức 51,9 ghi nhận trong tháng Một. Chỉ số sản lượng tổng hợp, đo lường cả lĩnh vực dịch vụ và chế tạo, cũng giảm từ 53,3 điểm trong tháng Một xuống 49,6 điểm, mức thấp nhất trong 76 tháng qua.

IHS Market cho rằng các chỉ số PMI sụt giảm là do dịch COVID-19, thể hiện ở nhu cầu suy giảm ở khắp các ngành như hoạt động đi lại và du lịch, cũng như sự suy yếu của xuất khẩu và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Công ty này cũng cho rằng các doanh nghiệp đang thận trọng trong chi tiêu vì những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng và những bất ổn trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, bất chấp những số liệu kém khả quan nói trên của IHS Markit, chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục của Mỹ, hiện đang ở năm thứ 11, có thể sẽ vẫn được duy trì. Các số liệu khác như số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, số liệu chế tạo ở nhiều vùng vẫn khả quan trong tháng Hai.

Biên bản cuộc họp chính sách ngày 28-29/1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố mới đây cho thấy các nhà hoạch định chính sách dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải, song vẫn bảy tỏ lo ngại về những nguy cơ kinh tế từ dịch COVID-19.

Kinh tế Mỹ có thể nhận được hỗ trợ phần nào từ thị trường nhà ở, vốn đang được thúc đẩy nhờ lãi suất thế chấp giảm sau khi Fed hạ lãi suất ba lần trong năm ngoái và ngân hàng này được dự đoán sẽ duy trì chính sách tiền tệ ít nhất là đến hết năm 2020.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Mỹ (NAR) cho thấy doanh số bán nhà hiện có đã giảm 1,3% xuống mức đã được điều chỉnh theo mùa là 5,46 triệu căn trong 12 tháng tính đến tháng Một, do sự khan hiếm nguồn cung nhà ở trên thị trường. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà hiện có, thường chiếm khoảng 90% doanh số bán nhà ở Mỹ, tăng 9,6% trong tháng Một.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn cung có thể được xoa dịu, khi số giấy phép xây dựng được cấp và số nhà đang được xây dựng hiện ở mức cao nhất trong gần 13 năm qua./.

Xem thêm:

>>Fed: Dịch COVID-19 có thể tác động bất lợi đến kinh tế Mỹ

>>Cố vấn Kinh tế Mỹ: Căng thẳng thương mại đã kìm hãm đầu tư doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục