Dịch COVID-19: Ngăn đà tăng của cổ phiếu hàng không

16:27' - 06/03/2020
BNEWS Theo giới chuyên gia, "cơn bão” mang tên COVID-19 đang xóa tan thành quả tăng trưởng của cổ phiếu hàng không.
Theo giới chuyên gia, "cơn bão” mang tên COVID-19 đang xóa tan thành quả tăng trưởng của VJC. Ảnh: minh họa/Vietjet Air

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trên thị trường chứng khoán vốn hóa thị trường ngành hàng không tăng 14% trong năm 2019, cao hơn tăng trưởng của chỉ số VN - Index (6,69%). Cổ phiếu có tăng trưởng tốt nhất trong ngành là VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet và cổ phiếu có mức tăng trưởng thấp nhất là HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, dưới tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, các cổ phiếu ngành hàng không đua nhau giảm giá.

Tính đến phiên giao dịch ngày 6/3, cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang có mức giá 24.950 đồng/cp, giảm 27,25% so với đầu năm. Các cổ phiếu của các công ty dịch vụ hàng không như Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng giảm 17,29%, cổ phiếu AST của Công ty cổ phần  Dịch vụ Hàng không Taseco giảm 29,41%.

Tiếp đến, cổ phiếu ARM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hàng không Cencon Việt Nam giảm 17,7%; cổ phiếu NCS của Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài giảm 12%.

Tính từ phiên giao dịch đầu năm đến hết phiên giao dịch ngày 6/3, giá cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet giảm tới gần 18,58%. Trong khi đó, cả năm 2019, cổ phiếu có tăng trưởng mạnh nhất trong ngành hàng không chính là VJC, với mức tăng 26%.

Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, ngành hàng không Việt Nam đang tươi sáng bỗng chốc chuyển sang khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

HSC nhận định, việc dừng các chuyến bay xuất phát đi/đến Trung Quốc đại lục từ ngày 1/2/2020 theo quyết định của Cục Hàng không Việt Nam sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế của VJC, do Trung Quốc là một trong những thị trường chủ chốt ở khu vực Đông Bắc Á của công ty.

Hơn nữa, hành khách Trung Quốc chiếm đến 32% tổng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019. Nhu cầu đi lại trong nước trong ngắn hạn cũng sẽ bị ảnh hưởng do lo sợ lây lan virus SARS-CoV-2. Do đó, nếu đến cuối quý 1 năm 2020 dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, hoạt động khai thác bay của VJC sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài việc đã ngừng các đường bay đi, đến Trung Quốc, VJC cũng vừa ra thông báo sẽ tạm dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 7/3/2020 do dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng tại nước này.

Thị trường Hàn Quốc chiếm 23,1% khách quốc tế của hàng không Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tới ngày 24/2/2020, các chuyến bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã giảm khoảng 60%.

Trong khi đó, VJC hiện đang hoạt động tại Hàn Quốc với 11 đường bay, là hãng hàng không khai thác nhiều chuyến bay đi và đến nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng vì dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tác động của virus COVID-19 có 2 kịch bản: virus SARS-CoV-2 được khống chế kịp thời trong quý 1, lượng khách quốc tế trong quý 1 năm nay có thể giảm 800.000 lượt. Theo kịch bản 2, virus SARS-CoV-2 được khống chế trong quý 2 thì lượng khách quốc tế có thể giảm 50% tới 60% trong giai đoạn có dịch.

Để có cái nhìn rõ nét hơn về tác động của dịch bệnh đối với ngành hàng không, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2002-2003 khi diễn ra dịch SARS, lượng khách vận chuyển chỉ tăng 1,66%; trong đó, khách quốc nội tăng 6,21%, trong khi khách quốc tế giảm 4,31%.

Các chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, năm 2020, lượng khách đến Việt Nam sẽ giảm mạnh trong quý 1, tiếp tục ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận trong quý 2, doanh thu sẽ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 4/2020 khi bệnh dịch được khống chế hoàn toàn.

Con số thực tế được Tổng cục Thống kê công bố, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 (21/1 - 20/2) ước tính đạt 1,24 triệu lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách đến từ châu Á giảm 27,2%; từ châu Mỹ giảm 21,1%; từ châu Úc giảm 18,4%.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2016 đến nay.

Ngoài những khó khăn mới từ dịch bệnh COVID-19, hiện tại VJC cũng đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các hãng hàng không.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 năm 2019 của VJC cho thấy, doanh thu VJC đạt 13.925 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 538,8 tỷ đồng lần lượt giảm 24,5% và 64,9% so với cùng kỳ năm trước đó.

Nhìn nhận ở mặt tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, Chính phủ vừa thông báo dự kiến sẽ quyết định đầu tư sân bay Long Thành trong tháng 3/2020 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đạt 111.690 tỷ đồng, sân bay có khả năng đáp ứng 25 triệu hành khách/năm. Dự kiến thời gian đi vào hoạt động của giai đoạn 1 vào năm 2025 - 2026.

KBSV nhận định, VJC sẽ được hưởng lợi trong dài hạn với sự xuất hiện của sân bay Long Thành như: tăng số chuyến bay có điểm đến hoặc đi từ khu vực phía Nam; tăng tỷ lệ chuyến bay cất, hạ cánh đúng giờ, giảm chi phí hoạt động do giảm thời gian bay chờ hạ cánh.

Theo KBSV, VJC vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh của mình trong mảng hàng không giá rẻ (LCC). Bên cạnh đó, mảng quốc tế với biên lợi nhuận và doanh thu phụ trợ cao hơn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.

Trong khi đó, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự đoán giá dầu sẽ giảm trong năm 2020 do lực cầu giảm từ Trung Quốc, nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn chưa giảm sản lượng.

Chi phí nhiên liệu chiếm 37% trong tổng doanh thu của VJC, nên PHS ước tính nếu giá dầu Jet A1 giảm 1 USD/thùng, chi phí VJC sẽ giảm khoảng 176,2 tỷ đồng. Giá dầu giảm làm giảm chi phí vận hành (CASK), từ đó giảm gánh nặng chi phí cho VJC trong năm tới.

Ông Trần Xuân Bách - Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VJC có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, bởi VJC là hãng hàng không giá rẻ. Sự tăng trưởng của nhóm hàng không giá rẻ được đánh giá là có ưu thế hơn. Đây cũng là xu hướng của các hãng hàng không hiện nay. Hiện tại VJC và hãng hàng không Bamboo Airways đang khai thác mảng hàng không giá rẻ, trong thời gian tới có thể có thêm một số hãng hàng không giá rẻ.

Ông Bách cho rằng, dù có thêm sự cạnh tranh nhưng nhìn nhận ở khía cạnh tích cực thì sự cạnh tranh tạo ra môi trường để cho những doanh nghiệp thực sự có thực lực bứt lên. Còn trong ngắn hạn thì sự cạnh tranh sẽ khiến cho các doanh nghiệp cùng ngành chịu ảnh hưởng nhất định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục