Dịch COVID-19 ngày càng đẩy Italy rời xa EU?

06:00' - 07/05/2020
BNEWS Làn sóng hoài nghi Liên minh châu Âu (EU) đang dâng cao trong bối cảnh người dân Italy cho rằng liên minh này đang "bỏ rơi" nước này trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Theo mạng Briefings for Britain của Anh, châu Âu đang bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hai nền kinh tế lớn nhất của EU là Đức và Pháp đang trong tình trạng rơi tự do. Nền kinh tế Đức đang bị sụt giảm ở mức mạnh nhất kể từ năm 1970. Trong khi ở Pháp, sa sút về kinh tế hiện nay tương tự với giai đoạn đầy rối ren vào năm 1968.

Tuy nhiên, chính các nước ở phía Nam của châu Âu, chẳng hạn như Italy, mới là nơi đại dịch COVID-19 gây ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất, dẫn đến sự hủy hoại thực sự đối với EU. Theo ngân hàng Goldman Sachs, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp năm nay dự kiến giảm trên 7% và của Đức mất 9%, nền kinh tế của Italy sẽ lao dốc khoảng 12%. 

Những chỉ dấu báo hiệu thảm họa này đang hiện hữu. Khu vực sản xuất chế tạo của Italy đã có mức sụt giảm mạnh nhất (kể từ năm 2009). Hơn 4 triệu cơ sở kinh doanh của Italy bị đóng cửa. Ngành du lịch của nước này bị đình trệ. Bên cạnh đó, khu vực miền Bắc của Italy, vốn được coi là trung tâm kinh tế, tài chính và sản xuất của cả nước, lại đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19.  

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng như tình trạng suy thoái kinh tế rồi sẽ nhanh chóng qua đi và Italy sẽ phục hồi trở lại vào cuối năm nay. Nhưng câu hỏi được đặt ra là Italy sẽ phục hồi trở lại ở mức nào? 

Nền kinh tế nước này gần như đã lâm vào tình trạng trì trệ trong hơn hai thập kỷ qua kể từ khi gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Tăng trưởng kinh tế ở nước này dường như không hề có trong khi mức sống của người dân ngày càng giảm sút. Trong vòng 10 năm qua, Italy đã trải qua ba đợt suy thoái kinh tế và cũng chưa hề có sự phục hồi đáng kể nào sau mỗi đợt suy thoái.

Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, GDP của Italy vẫn ở mức thấp hơn 5% so với mức đỉnh mà nước này đạt được cách đây hơn một thập kỷ. Đây là lý do tại sao năm ngoái IMF dự báo, cho đến năm 2024, GDP của Italy vẫn sẽ thấp hơn mức đạt được vào năm 2007. 

Trong khi đó, nợ công của Italy lại tăng mạnh. Trong 6 năm qua, nợ công của Italy luôn đứng ở mức trên 130% GDP và con số này trong năm nay dự báo sẽ lên tới ít nhất là 150% GDP. Hệ thống tài chính của Italy vẫn yếu và số nợ khó đòi của các ngân hàng hiện ở mức quá cao.

Italy cũng có tỷ lệ thất nghiệp thuộc diện cao nhất trong Eurozone và hiện đứng ở mức khoảng 10%. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao hơn, gần 30%.

Tóm lại, sẽ rất khó để cho rằng cuộc sống ở Italy hiện nay là tốt hơn thời điểm mà nước này gia nhập Eurozone cách đây hơn 20 năm. Điều chắc chắn là một số vấn đề của Italy đã tồn tại trước khi Italy gia nhập khu vực đồng tiền chung. Cụ thể là tỷ lệ giáo dục (tỷ lệ đi học các cấp) thấp, dân số già, thiếu hiện đại hóa công nghiệp, và có sự phụ thuộc mạnh mẽ vào các doanh nghiệp nhỏ mang tính hộ gia đình.

Việc Italy bị gò bó trong các quy định về chi tiêu của Eurozone cũng như không có khả năng đầu tư nghiêm túc vào nền kinh tế đã khiến nước này bị kẹt trong một chiếc vòng luẩn quẩn. Chính điều đó đã khiến người dân Italy cảm thấy thất vọng, chán nản và bi quan sâu sắc về tương lai của họ. Vào cuối năm ngoái, 90% số người Hà Lan và 83% số người Đức được hỏi ý kiến đã mô tả tình hình kinh tế của họ là "tốt”. Trong khi đó, ở Italy, tỷ lệ này chỉ là 17%.

Tỷ lệ ủng hộ của người dân Italy đối với EU cũng đang suy yếu. Năm ngoái, theo cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Eurobarometer, người dân Italy thuộc diện ít tin tưởng nhất vào EU (chỉ có 38% bày tỏ tin tưởng) và cũng thuộc diện ít có suy nghĩ tích cực nhất về EU (chỉ 33%).

Vào thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu tấn công Italy khiến Rome phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước trong EU, “tinh thần đoàn kết” xuất hiện một cách khá chậm chạp, hay có thể nói là dường như không hề xuất hiện. Thậm chí một số nước còn đóng cửa biên giới hoặc hạn chế xuất khẩu các thiết bị y tế.

Khoảng trống do thiếu vắng sự lãnh đạo trong EU đã được tạo ra và Nga cùng với Trung Quốc đã nhanh chóng tranh thủ cơ hội để lấp đầy khoảng trống này bằng cách viện trợ y tế cho Italy.

Khi một số nước, trong đó có Italy, đề nghị các đối tác EU khác chia sẻ các khoản nợ, thì các nước ở phía Bắc như Đức và Hà Lan, lại từ chối. Do lo ngại rằng việc chia sẻ nợ hiện nay có thể dẫn đến việc phải cùng chia sẻ nợ trong tương lai, một số nước ở phía Bắc của châu Âu lập luận rằng sự hỗ trợ tài chính sẽ chỉ diễn ra thông qua Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).

Nhưng nhiều nước ở phía Nam châu Âu lo ngại rằng những ràng buộc sẽ đi kèm với các khoản hỗ trợ và thường là con đường dẫn đến việc phải "thắt lưng buộc bụng" nhiều hơn.

Mới đây, gần một nửa dân số Italy đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng về việc tiếp nhận viện trợ thông qua ESM bởi họ cho rằng đó là “một công cụ để áp đặt những biện pháp thắt lưng buộc bụng theo kiểu Hy Lạp. Trong những tuần gần đây, gần 90% số người Italy được hỏi ý kiến nói rằng EU không hề có sự giúp đỡ đối với Rome, trong khi khoảng 70% cho rằng EU “đã không đóng góp bất cứ điều gì nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này”.

Một số cuộc thăm dò khác cũng ghi nhận tỷ lệ người dân Italy ủng hộ việc rời EU đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, hơn 33% dân chúng Italy muốn rời khỏi EU, trong khi chỉ chưa đầy 50% cho rằng đây là một ý tồi. Với việc cảm thấy bị bỏ rơi, người dân Italy đã trở nên ít tin tưởng vào EU (chỉ có 25% là tin tưởng), và đa số (67%) cho rằng việc làm thành viên của EU là một điều bất lợi.

Chính phản ứng vụng về của EU trong hai cuộc khủng hoảng trước đây, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009 và cuộc khủng hoảng người di cư, đã khiến cử tri Anh bỏ phiếu rời EU vì họ cho rằng việc ở lại liên minh này sẽ không mang lại lợi ích kinh tế dài hạn.

Hầu hết người dân Italy chưa đi đến những kết luận tương tự như vậy. Tuy nhiên, sẽ không khó để nhận thấy phản ứng thiếu hiệu quả của EU trong đối phó với dịch COVID-19 và bức tranh kinh tế ngày càng tồi tệ của Italy có thể sẽ đẩy người dân Italy ngả theo hướng từ bỏ EU.

Italy cuối cùng rồi cũng sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng lúc đó, nước này chắc chắn sẽ trở nên nghèo hơn và đồng thời cũng có tư tưởng hoài nghi châu Âu nhiều hơn. Không ai biết được tình hình lúc đó sẽ đi đến đâu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục