Dịch COVID-19 sáng 5/4: Châu Âu, Italy đã ghi nhận giảm số ca điều trị tích cực

06:12' - 05/04/2020
BNEWS Tại châu Âu, Italy đã ghi nhận giảm số ca điều trị tích cực trong 24h qua. Tuy nhiên, Tây Ban Nha, Itay, Đức và Pháp đã vượt xa Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh này, về tổng số ca nhiễm.

Số liệu tổng hợp từ worldometers.info cho thấy tính đến 5h40 ngày 5/4 (giờ Việt Nam), cả thế giới có 1.197.038 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 64.583 ca tử vong.

Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 80.376 ca mắc mới và 5.409 ca tử vong.

Với số ca nhiễm đã lên tới hơn 300.000 người, Mỹ vẫn dẫn đầu danh sách các nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới.

Tại châu Âu, khu vực "nóng" về dịch COVID-19, một tín hiệu lạc quan là Italy đã ghi nhận giảm số ca điều trị tích cực trong 24h qua. Tuy nhiên, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp đã vượt xa Trung Quốc, nơi khởi nguồn của dịch bệnh này, về tổng số ca nhiễm.

Trong đó, Tây Ban Nha vượt qua Italy lên đứng thứ 2 sau Mỹ, và Pháp từ vị trí thứ 6 đã vượt Trung Quốc lên đứng thứ 5 thế giới.

Giữa tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác đã tung ra các kế hoạch tài chính “khổng lồ” để ứng phó khủng hoảng kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, châu Âu dường như vẫn “đứng ngoài cuộc” do sự bất đồng quan điểm trong nội bộ của liên minh này.

Hiện tại, 27 quốc gia thành viên EU đang ứng phó dịch COVID-19 với các kế hoạch chi tiêu riêng, trong đó các nước giàu như Đức và Hà Lan có thể thực hiện các gói chi tiêu lớn, song những nước có gánh nợ lớn như Tây Ban Nha và Italy lại đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 và không có đủ nguồn lực tài chính.

*Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam

Đến 6h sáng 5/4, Việt Nam có 240 ca mắc COVID-19 (149 từ nước ngoài chiếm 62,1%; 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa). Trong đó tổng số ca bình phục là 90.

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1). 

-  74 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 4/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN20, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27,BN29, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN121, BN129, BN130, BN 131, BN132, BN138, BN140, BN179, BN187, BN198

Số ca mắc mới: 1 ca (tính đến 18h ngày 04/4/2020)

Thông tin chi tiết về 1 ca mắc mới (240)

- CA BỆNH 240 (BN240): Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, có địa chỉ tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, làm việc tại Bangkok, Thái Lan. Ngày 19/3, trước khi về Việt Nam, bệnh nhân có tham gia buổi liên hoan với gia đình BN166. Ngày 20/3, bệnh nhân đáp chuyến bay VN618, ghế 28B về Hà Nội. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đến khu cách ly tập trung tại Lữ đoàn 241, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, được khám sàng lọc. Đến ngày 31/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt 38,3°C, không ho, không khó thở, được chuyển khu cách ly đặc biệt và lấy mẫu bệnh phẩm. Chiều tối 1/4, xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho kết quả dương tính với Sars-CoV-2. Vào lúc 20h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Sáu trường hợp ở cùng phòng với bệnh nhân tại khu cách ly được lấy mẫu xét nghiệm trong đêm 01/4 và đều có kết quả âm tính với Sars-CoV-2.

* Sáng ngày 04/4/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương” với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của 27 tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19 gồm: Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, TPHCM, Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Đắc Lăk, Hưng Yên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã kết luận:

Nghiêm túc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đặc biệt là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương phải phân công cán bộ trực phòng chống dịch 24/24

Ban chỉ đạo Quốc gia xác định cấp độ dịch đang ở cấp độ 3. Đề nghị BCĐ các địa phương căn cứ vào kế hoạch mới nhất của BCĐ Quốc gia và tình hình cụ thể của địa phương mình để xây dựng kế hoạch ứng phó cho phù hợp với tình hình dịch của địa phương và chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch lan rộng.

Chính phủ đã có Nghị quyết 37/2020/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và quyết định 437/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19 và đề nghị Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận tổ quốc các tỉnh triển khai, phát động Quỹ ủng hộ phòng chống dịch. Các địa phương căn cứ vào các văn bản để triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng quy định xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng trục lợi.

Thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch để hạn chế việc lây lan dịch bệch ra cộng đồng, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly.

Xử lý theo quy định của pháp luật những đối tượng cố tình không chấp hành quy định về cách ly y tế, bố trí khu cách ly riêng cho đội ngũ nhân viên y tế để vừa cách ly vừa thực hiện công tác phòng chống dịch

Lưu ý công tác phòng chống dịch COVID-19 trong các trại dưỡng lão, trại giam và trung tâm bảo trợ xã hội.

* Đến đầu giờ chiều  (4/4), nữ bệnh nhân nặng ̣(64 tuổi, người Việt Nam) phải can thiệp ECMO từ 19/3 đã kết thúc ECMO, sức khoẻ nhiều tiến triển.

Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 cho biết, bệnh nhân nữ này vốn dĩ có bệnh nền là rối loạn tiền đình, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có diễn tiến sức khoẻ xấu nên các bác sĩ đã hội chẩn với các chuyên gia quyết định cho bệnh nhân cả kết hợp thở máy và can thiệp ECMO.

Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 duy nhất ở nước ta đến nay phải can thiệp ECMO. Tuy nhiên sau nhiều ngày kiên trì điều trị, với sự phối hợp hội chẩn chuyên môn của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khoẻ của nữa bệnh nhân đã tiến triển. Đầu giờ chiều nay, bệnh nhân đã kết thúc ECMO, chỉ còn thở máy, lọc máu.

Đặc biệt, nữ bệnh nhân này cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus gây COVID-19 liên tục 3 lần vào các ngày 26/3, 27/3 và 29/3.

 

*Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

1. MỸ

Theo worldometers.info, tính đến 5h20 ngày 5/4 (giờ Việt Nam), tại Mỹ đã có 308.124 ca mắc bệnh COVID-19 và 8.392 người tử vong, tăng tới gần 31.000 ca nhiễm mới và gần 1.000 ca tử vong chỉ trong 24h.

Trong đó, New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 113.806 ca mắc bệnh và 3.565 ca tử vong. Các bang có số bệnh nhân COVID-19 trên 10.000 người là New Jersey, Michigan, California, Louisiana, Florida, Massachusetts và Pennsylvania.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4 đã cảnh báo rằng "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến, và dự báo "sẽ có nhiều ca tử vong" do sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Phát biểu trong cuộc họp báo của lực lượng đặc nhiệm chuyên trách phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cam kết sẽ cung cấp cho các điểm nóng của dịch bệnh trên khắp nước Mỹ các vật tư y tế cần thiết nhằm đối phó với đại dịch, đồng thời lưu ý rằng chính phủ liên bang đã lập các bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và hiện đã sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm tại một bệnh viện dã chiến ở New York.

Mỹ điều trị miễn phí COVID-19 cho người không có bảo hiểm. Nguồn: VNEWS/TTXVN

2. TÂY BAN NHA

Với 6.969 ca nhiễm mới trong 24h qua, Tây Ban Nha đã có tổng số 126.168 ca nhiễm bệnh, vượt qua Italy theo thống kê từ worldometers.info. Số ca tử vong trong 24h qua tại nước này cũng tăng 749 ca lên thành 11.947 ca kể từ đầu mùa dịch.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanche ngày 4/4 đã phải gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 25/4 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Tuy vậy cùng ngày, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, Madrid sẽ nới lỏng các quy định về hạn chế hoạt động kinh tế, vốn được áp đặt theo lệnh tình trạng khẩn cấp dự kiến có hiệu lực đến sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, kể cả khi lệnh phong tỏa toàn quốc này có thể sẽ được gia hạn đến hết ngày 25/4 tới.

3. ITALY

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 4/4 thông báo ghi nhận thêm 4.805 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 124.632 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 là 15.362 trường hợp (tăng 681 ca). Số ca hồi phục là 20.996 ca (tăng 1.238 ca).

Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli cho biết, trong số các ca nhiễm bệnh hiện tại có 29.010 ca nhập viện, 3.994 ca phải điều trị tích cực (giảm 74 ca so với hôm 3/4), và đây cũng là lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca điều trị tích cực giảm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Pierpaolo Sileri cho rằng dịch COVID-19 có thể sẽ suy giảm sau lễ Phục sinh, tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người dân phải quen với việc sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội và sống chung với virus cho tới khi có vaccine.

Trước đó,  Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza khẳng định “giãn cách xã hội” (cách ly xã hội) là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh. Italy có thể bước vào giai đoạn 2, sống chung với dịch bệnh, vào thời điểm giữa tháng 5.

4. ĐỨC

Theo worldometers.info, ngày 4/4, Đức ghi nhận thêm 4.933 ca nhiễm mới và 169 ca tử vong. Như vậy đến nay, Đức đã có 96.092 ca mắc COVID-19 và 1.444 ca tử vong.

Truyền thông Đức tối 3/4 (giờ Đức) đăng tải thông điệp bằng video của Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi tất cả công dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế tiếp xúc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngay cả vào dịp Lễ Phục sinh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Merkel nói rằng, đã có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả từ các biện pháp hạn chế, sự lây lan virus SARS-CoV-2 đã chậm lại, nhưng bà chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc đối với các hạn chế và cho rằng, điều này sẽ là vô trách nhiệm trong tình hình hiện tại. Bà nhấn mạnh “chắc chắn là quá sớm để nói về việc nới lỏng các quy tắc nghiêm ngặt”, virus đang tiếp tục lây lan “với tốc độ cao” ở Đức.

5. PHÁP

Tính đến tối 4/4, cơ quan y tế Pháp xác nhận 7.560 trường hợp tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, trong đó 5.532 ca tử vong trong bệnh viện và 2.028 ca tử vong tại các viện dưỡng lão.

Như vậy, số ca tử vong tại Pháp đã tăng 1.053 ca so với một ngày trước đó, đây cũng là số ca tử vong mới cao nhất thế giới trong 24h qua theo tổng hợp của worldometers.info.

Theo worldometers.info, hiện Pháp có 89.053 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 được xác nhận qua xét nghiệm, tăng 7.788 ca trong 24 giờ qua.

Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon cho rằng nước này đang ở đầu giai đoạn có thể đánh giá được tác động của lệnh hạn chế đi lại. Ông nhấn mạnh rằng có thể một ngày nào đó sẽ “đề nghị tất cả mọi người đeo khẩu trang, nhưng chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn đó”.

Vấn đề này đang được thảo luận với các chuyên gia, hội đồng khoa học và các nhà virus học. Ông cũng khẳng định rằng khẩu trang thay thế bằng vải, hiện đang được các công ty dệt may và thời trang của Pháp gấp rút sản xuất, có thể là “một bổ sung” nhưng nhất định không được tạo ra “cảm giác an toàn giả” trong dư luận khiến cho người dân buông lơi các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác như rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Cụ bà 101 tuổi đánh bại COVID-19 trở thành biểu tượng hi vọng của Tây Ban Nha. Nguồn: VNEWS/TTXVN

6. TRUNG QUỐC

Ngày 4/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có một ca tại tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch của nước này.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, trong số 19 ca nhiễm mới, 18 ca là du khách tới từ nước ngoài. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục tính tới ngày 3/4 là 81.639 người.

Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tính tới ngày 3/4 lên thành 3.326 người.

Ngày 4/4, Trung Quốc đã tổ chức một ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của dịch bệnh COVID-19. Đây là sự kiện được tổ chức để tưởng niệm những liệt sĩ và người dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này.

7. IRAN

Bộ Y tế Iran ngày 4/4 thông báo nước này đến nay đã có 55.743 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3.452 trường hợp tử vong.

Đại sứ Iran tại Bỉ ngày 4/4 đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) chống lại các lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Tehran trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một bức thư giử tới Đại diện Cấp cao EU về Chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrel, Đại sứ Gholam Hossein Dehqani cho rằng, "các lệnh cấm vận đơn phương và bất hợp pháp mà Mỹ áp đặt với Iran dưới chiêu bài chiến dịch gây sức ép tối đa ảnh hưởng tới khả năng của Iran trong ứng phó hiệu quả với virus do không có sự hỗ trợ quốc tế".

Ông Dehqani đã thúc giục EU chống lại các lệnh cấm vận "vô nhân đạo" của Mỹ vì chúng xâm phạm quyền được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân.

8. ANH

Anh ngày 4/4 công bố thêm 708 trường hợp tử vong do COVID-19, mức tăng trong ngày thứ 4 liên tiếp, trong khi số ca nhiễm tăng lên đến gần 42.000 người.

Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến 15h ngày 4/4, Anh có tổng cộng 183.190 người được xét nghiệm, trong đó 41.903 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ngoài ra, tính đến 23h ngày 3/4, số ca tử vong ở Anh tăng 20% lên thành 4.313 người, so với một ngày trước đó.

Tuy nhiên, Anh thông báo có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội trong vài tuần tới nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này thuyên giảm và việc xét nghiệm được tiến hành trên quy mô lớn hơn.   

 

EU miễn thuế với vật tư y tế nhập khẩu. Nguồn: VNEWS/TTXVN

9. THỔ NHĨ KỲ

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 4/4 cho biết, tổng số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã đạt đỉnh 500 người, trong khi số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 đã gần tới 24.000 người.

Hầu hết các ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

10. THỤY SỸ

Theo worldometers.info, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Thụy Sỹ đã lên tới 20.505 người, tăng 899 người so với hôm 3/4. Số ca tử vong cung tăng 75 người lên tổng số 666 người.

Thụy Sỹ muốn tăng gấp đôi quỹ cứu trợ khẩn cấp dành cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lên 40 tỷ CHF (41 tỷ USD), khi quỹ hiện tại trị giá 20 tỷ CHF dự kiến sẽ được sử dụng hết trong vài ngày tới.

Quốc hội Thụy Sỹ đã được yêu cầu phê duyệt gia tăng đáng kể số tiền cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Điều này sẽ nâng tổng số tiền tài trợ của nhà nước lên khoảng 62 tỷ CHF, với các khoản tiền khác được dành để trang trải tiền lương của những người lao động và một số biện pháp mục tiêu khác.

Thụy Sỹ chú trọng đến hai biện pháp chính để phục hồi nền kinh tế. Thứ nhất là tăng trợ cấp thất nghiệp cho 330.000 người tự làm chủ. Nhân viên làm việc thường xuyên nhận được khoảng 70% tổng thu nhập trước đây của họ từ các quỹ bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Ngoài ra, tất cả đều nhận được khoản bổ sung cho trẻ em.

Thứ hai là cung cấp các khoản vay "bắc cầu" cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm ngăn chặn làn sóng phá sản. Để đủ điều kiện nhận các khoản vay trên, các doanh nghiệp phải chứng minh tổn thất do đại dịch.

 

Ngoài 10 quốc gia trên, tại Bỉ, số ca tử vong được ghi nhận đến nay là 1.283 ca, tăng 140 ca trong 24 giờ qua. Theo số liệu từ Trung tâm xử lý khủng hoảng quốc gia Bỉ, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.661 ca bệnh mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn quốc lên 18.431 người.

Trong khi đó, có thêm 375 người được chữa khỏi và xuất viện. Bỉ hiện có 1.245 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, trong đó có 985 bệnh nhân phải sử dụng máy thở.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Liên bang Nga cho biết tính đến trưa 4/4, nước này đã ghi nhận thêm 582 ca nhiễm và 9 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4.731 và 43 ca tử vong. Hầu hết trong số các ca mới nhiễm đều được ghi nhận ở thủ đô Moskva.

Trong bản cập nhật tình hình mới nhất về dịch COVID-19 tại châu Phi, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu lục (ACDC) - cơ quan y tế chuyên ngành của Liên minh châu Phi (AU) - cho biết khoảng 44 quốc gia thành viên AU đã ban bố lệnh cấm tụ tập đông người, cũng như đóng cửa các địa điểm công cộng để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.

Khoảng 12 nước cũng đã thực hiện giới nghiêm hoàn toàn nhằm hạn chế sự di chuyển không cần thiết trên toàn quốc. Trong khi đó, 17 nước mới chỉ áp dụng lệnh giới nghiêm một phần (vào ban đêm).

Tính đến hết ngày 4/4, toàn châu Phi đã ghi nhận 8.220 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 372 người đã tử vong. Khu vực Bắc Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 3.280 trường hợp nhiễm bệnh và gần 280 người tử vong.

Khu vực Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2, với hơn 1.600 trường hợp nhiễm bệnh, trong khi khu vực phía Tây châu lục đã có trên 1.400 trường hợp mắc COVID-19. ACDC cũng cho biết khoảng 763 người nhiễm COVID-19 đã được điều trị khỏi hoàn toàn trên khắp châu Phi.

Tại Thái Lan - quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phát hiện trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, Nội các nước này đã thông qua kế hoạch của Bộ Y tế tuyển dụng 45.684 viên chức đặc biệt là nhân viên chính phủ để đối phó với dịch COVID-19. Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan thông báo Thái Lan sẽ tạm thời cấm tất cả chuyến bay chở khách hạ cánh xuống nước này.

Thái Lan ngày 4/4 công bố có thêm 89 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 1 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước ngày lên 2.067 và tổng số người tử vong lên 20.

Ngày 4/4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 3 ca tử vong do dịch COVID-19, cùng 94 ca mắc mới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), số ca nhiễm tại "tâm dịch" thứ hai của châu Á đã lên tới 10.156 ca, trong khi số trường hợp không qua khỏi là 177 ca.

Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc, người dân được khuyến cáo tránh nơi tụ tập đông người cho tới ít nhất ngày 19/4 tới. Chính phủ nhấn mạnh tính hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã phát huy hiệu quả.

Ở khu vực châu Mỹ, số ca mắc và tử vong tại Mexico và Brazil tăng mạnh trong 24 giờ qua. Cụ thể, ngày 3/4, Bộ Y tế Mexico thông báo, với 178 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia Trung Mỹ đã lên tới 1.688 ca, trong đó 60 ca tử vong và 5.398 người nghi ngờ nhiễm virus. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất tại Mexico.

Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil thông báo trong 24 giờ qua đã có 64 ca tử vong và 1.146 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng ca mắc bệnh lên 9.056 người, trong đó có 359 ca tử vong. Một lần nữa, giới chức y tế Brazil cho rằng việc thực thi nghiêm giãn cách xã hội là cần thiết bởi các biện pháp này sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm thời gian tăng cường trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân trong thời gian tới.

Ngày 3/4, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã phê duyệt một quỹ khẩn cấp nhằm đối phó dịch COVID-19. Theo đó, MERCOSUR nhất trí phân bổ 16 triệu USD thông qua Quỹ tiếp cận cơ cấu (FOCEM) tới các nước thành viên, bao gồm Argentina, Brasil, Paraguay và Uruguay. Quy chế của FOCEM nêu rõ các nguồn tài chính từ quỹ này "không cần được các quốc gia hoàn trả và không bị tính lãi tài chính".

Theo website chính thức của MERCOSUR, khoảng 5,8 triệu USD từ quỹ khẩn cấp đã được phân bổ để mua thiết bị, vật tư y tế, vật liệu bảo hộ dành cho nhân viên y tế và các bộ dụng cụ phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục