Dịch COVID-19: Sáng tạo trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giúp dân

14:53' - 27/09/2021
BNEWS Từ khi dịch COVID-19 bùng phát khiến cho việc sản xuất, kinh doanh của người dân tỉnh Ninh Bình gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, nhiều mặt hàng nông sản bị ùn ứ.

Trước tình hình đó, cùng với các ngành, các cấp, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã có nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh là địa phương có truyền thống thâm canh rau màu với diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên đến hơn 512 ha. Bình quân mỗi ngày nông dân ở đây đưa ra thị trường khoảng 10 tấn nông sản các loại.

Các sản phẩm chủ lực của địa phương là mướp Nhật, bí xanh, dưa chuột, cải bó xôi, mướp đắng, bí đỏ... Cây trồng ở đây hầu hết được sản xuất theo hướng an toàn nên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương.

Trước tình hình trên, nhằm hỗ trợ hội viên, bà con nông dân, Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên doanh, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị của sản phẩm và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để tạo ra các nông sản có chất lượng, hiệu quả.

Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh cho biết, Hội Nông dân xã đã có nhiều sáng kiến trong cung cấp dịch vụ, từ đó mở ra hướng tháo gỡ khó khăn như: cung cấp dịch vụ tại nhà, bán hàng trực tuyến qua các trang mạng xã hội, bán hàng online...

Bên cạnh đó, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của các hợp tác xã trong xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, Hội Nông dân xã đã chung tay cùng các thành viên, người lao động tại địa phương vượt qua dịch COVID-19.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cửa hàng Nông sản an toàn Sông Vân, thành phố Ninh Bình là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng thông điệp: “Kết nối yêu thương giúp nông dân tiêu thụ nông sản” của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình trong việc chủ động, tích cực tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân nhằm chung tay cùng nông dân vượt qua đại dịch COVID-19.

Cửa hàng hiện chế biến và bán khoảng 350 loại nông sản an toàn, có nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý của 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh và nông sản của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố bị phong tỏa do dịch COVID-19 như: Lâm Đồng, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Nghệ An, Thanh Hoá, Bắc Kạn, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...

Tại khu vực hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cửa hàng đã liên kết hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản tỉnh Ninh Bình như: rau, củ, quả của huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô; dứa Tam Điệp, Nho Quan và các loại nông sản của các tỉnh trong cả nước như hành tím Sóc Trăng; mận, xoài Sơn La, Lào Cai; vải thiều Bắc Giang và một số nông sản khác.

Anh Nguyễn Ngọc Tiên, Chủ cửa hàng Nông sản an toàn Sông Vân, thành phố Ninh Bình cho biết, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa bị chậm, điều này đã tạo áp lực lớn về tiêu thụ nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong thời điểm dịch bệnh, nhiều nông dân gặp khó trong việc tìm đầu ra cho nông sản.

Để chung tay giúp đỡ nông dân, anh Tiên đã tìm hiểu và nhập về bán tại cửa hàng nhiều loại nông sản với giá bán mang tinh thần ủng hộ để có thể tiêu thụ được số lượng lớn và thu hút được nhiều người mua, qua đó chung tay góp sức hỗ trợ bà con nông dân vượt qua đại dịch.

Các sản phẩm tiêu thụ tại cửa hàng đảm bảo sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, quá trình thu hoạch, đóng gói và vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - tiêu thụ nông sản, khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Trước những khó khăn về tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã cùng với các địa phương trong tỉnh mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất để nông dân áp dụng, tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng.

Đồng thời, Hội cũng hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân lựa chọn các nông sản thế mạnh của địa phương, nhờ vậy đã giảm được áp lực trong khâu tiêu thụ.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cũng triển khai chương trình “Kết nối yêu thương giúp nông dân tiêu thụ nông sản”. Hội Nông dân tỉnh đã kết nối với chuỗi hơn 20 cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh và liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng để giới thiệu, tiêu thụ nông sản cho các mô hình, trang trại, gia trại của hội viên trong tỉnh.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã nhiều lần chung tay giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ hơn 400 tấn nông sản cho nông dân tỉnh Ninh Bình cũng như cho bà con các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất của bà con, giám sát, tư vấn, hỗ trợ nông dân để đảm bảo các yêu cầu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất.

Nhằm giúp nông dân có vốn quay vòng sản xuất, từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân trên 40 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 60 nhóm đối tượng, đồng thời giải ngân Quỹ Quay vòng vốn thuộc Ban Quản lý dự án "Tăng cường khả năng phục hồi của các hộ nông dân trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19" với số tiền 1,2 tỷ đồng cho các hộ vay vốn trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp nông dân liên kết, hợp tác xây dựng, thành lập mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá nông sản.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục mời gọi, kết nối các doanh nghiệp về ký kết hợp đồng, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã và đưa nông sản của tỉnh vào các siêu thị, trung tâm nông sản, các hệ thống cửa hàng nông sản cao cấp.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cũng tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiện để nông dân yên tâm duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống.

Các hoạt động này không chỉ thắp lên tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc mà còn là hoạt động thiết thực chung tay cùng người dân cả nước vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục