Dịch COVID-19: Sôi động thị trường bán hàng online

13:40' - 15/04/2020
BNEWS Để thích ứng với việc kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, cà phê, quần áo thời trang... cũng chuyển sang mô hình bán online

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách toàn xã hội từ ngày 1/4 đến ngày 15/4 để phòng chống dịch COVID-19, không chỉ các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa và nhanh nhạy chuyển sang kinh doanh online, mà ngay cả các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống cũng chuyển sang hình thức này. Nhờ vậy, dịch vụ chuyển hàng (ship) hàng trở nên bận rộn trong mùa dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Dung - tiểu thương bán thực phẩm tươi sống tại chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, hầu hết mọi người đều ở nhà để thực hiện việc giãn cách xã hội nên các món ăn gia đình được nhiều người chọn lựa.

Nhiều người không có thời gian đi chợ nhưng muốn nấu theo ý mình thì chỉ cần đặt cửa hàng làm sạch rồi giao đến tận nhà hoặc chọn cách qua cửa hàng lấy về nấu nướng. Ngoài ra, khách cũng có thể đặt cửa hàng chế biến chín sẵn, chỉ ở nhà chờ và thưởng thức.
Một số món được ưa thích trong các bữa cơm gia đình truyền thống như tép rang, cá trắm kho tộ, cá diếc kho trám, thịt ba chỉ rang cháy cạnh, thịt kho tàu, canh chua... được cửa hàng chị Dung lên thực đơn phục vụ. Giai đoạn này, xu hướng ngồi nhà đặt hàng online từ các cửa hàng ăn, siêu thị rất phổ biến. Mấy ngày qua, số lượng đơn hàng giao cho khách của nhà chị Dung tăng gấp 2-3 lần.
Chị Đào Kim Thủy, ở phố Huế, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, gia đình có 4 người, mấy ngày qua hạn chế ra đường, thấy cửa hàng bán đồ ăn online rất tiện, nấu ngon và có nhiều món truyền thống, giá cũng phù hợp nên chị xem đây là một lựa chọn ưng ý.
Để thích ứng với việc kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, cà phê, quần áo thời trang... cũng chuyển sang mô hình bán online. Quán chè Mười sáu ở phố Lê Văn Hưu những ngày chưa có dịch lúc nào khách cũng vòng trong vòng ngoài; thậm chí, những ngày lễ, Tết, mùng một hay rằm thì còn phải xếp hàng mới mua được.

Nhưng những ngày qua, quán đóng cửa, treo biển "Chỉ nhận bán mang về". Chủ quán chia sẻ, phải thích ứng ngay cách kinh doanh online để hoạt động và nhân viên không bị thất nghiệp.
Những ngày này, các cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Chùa Bộc không phục vụ khách hàng tới mua trực tiếp; nhân viên kinh doanh online có nhiệm vụ "chốt đơn", điều phối người vận chuyển. Mặc dù, các đơn hàng online không thể nhiều bằng bán trực tiếp nhưng các chủ shop vẫn phải duy trì để có doanh số.
Nắm được nhu cầu vận chuyển hàng tăng cao, nhiều người trước kia vốn làm các công việc khác nay cũng chuyển sang mưu sinh bằng nghề shipper (giao hàng).

Theo chia sẻ của anh Phạm Văn Dũng, ở đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, trước đây anh lái taxi nhưng phải dừng do dịch COVID-19 nên chuyển sang làm shipper đồ ăn, thực phẩm...
Mỗi đơn hàng, anh được chi trả từ 20.000-30.000 đồng tùy vào mức độ dài - ngắn của quãng đường. Có ngày nhận nhiều đơn, anh phải giao hàng từ sáng sớm đến tối và nhận được mức thu nhập từ 600.000-900.000 đồng/ngày. Công việc thường quá tải nhưng bù lại, thu nhập tăng lên.

Thời điểm này, người dân hạn chế ra đường nên một lượng lớn những người hành nghề xe ôm cũng đã chuyển sang làm shipper bởi thu nhập tốt hơn. Giờ đa phần mọi người đặt đồ online nên shipper không hết việc, nhất là vào cuối tuần - một shipper chia sẻ.
Tuy nhiên, người giao hàng (shipper) thời điểm này cũng gặp nhiều áp lực bởi đơn hàng được chuyển đến hàng ngày đều tăng vọt, khách hàng nào cũng muốn giao hàng nhanh nên họ luôn trong tình trạng quá tải. Ngoài ra, công việc này cũng có nhiều rủi ro khi dịch COVID-19 lan rộng. Thông thường, các shipper phải trang bị cho mình nước rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, mặc áo khoác, đi găng tay để bảo vệ bản thân và phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra với khách hàng.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, để hạn chế lây lan dịch bệnh, Shopee đã kích hoạt giao hàng không tiếp xúc để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Cụ thể, với các đơn hàng đã thanh toán trước, người mua có thể yêu cầu giao hàng không tiếp xúc bằng cách đề nghị shipper đặt hàng tại vị trí chỉ định, đứng cách 2m. Để xác nhận đã nhận hàng, shipper sẽ chụp lại hình người nhận thay cho việc ký nhận trực tiếp. Với cách này sẽ đảm bảo an toàn cho cả người giao và người nhận hàng.
Các dịch vụ "đi chợ giùm", "ship tận nhà" đã xuất hiện khắp nơi từ vài năm nay nhưng chỉ trong mùa dịch COVID-19 mới thực sự "sốt". /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục