Dịch COVID-19: Thay vì thu hồi, phát mãi tài sản, cần hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu

10:02' - 10/12/2020
BNEWS Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngân hàng phải sâu sát, chia sẻ với doanh nghiệp, hướng đến tái cấu trúc cho doanh nghiệp thay vì chỉ đơn thuần phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu.

Năm 2020 dần khép lại, nền kinh tế đang dần phục hồi trong trạng thái "bình thường mới". Nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Nhưng vẫn còn đó những lo ngại về chất lượng tín dụng và nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng cao trong thời gian tới.
Xoay quanh câu chuyện về hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

BNEWS: Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, toàn ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Xin bà chia sẻ cụ thể về những giải pháp này tại OCB và kết quả thực hiện đến nay ra sao?
Bà Đào Minh Anh: Dịch COVID-19 xuất hiện là điều không thể lường trước. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức triển khai nhiều gói hỗ trợ dành cho người dân và doanh nghiệp.

Bản thân OCB, ngay từ khi dịch xuất hiện, chúng tôi cũng đã có rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, OCB đã cơ cấu nợ cho khách hàng, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó do COVID-19.

Tiếp đó, chúng tôi cũng đã có rất nhiều gói miễn, giảm lãi suất cho khách hàng, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng vượt qua thời điểm khó khăn.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sát sao hơn đối với khách hàng cả doanh nghiệp và cá nhân, đánh giá hoạt động kinh doanh của họ, thậm chí còn hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, tư vấn cho họ những gói tài chính phù hợp để vượt qua khó khăn.
Do sớm có những giải pháp đồng hành và đánh giá sớm hoạt động kinh doanh của khách hàng nên lượng khách hàng phải cơ cấu nợ của OCB rất ít, chỉ khoảng 100 khách hàng. Điều này cho thấy chất lượng khách hàng của OCB khá là tốt.
Cùng với đó, chúng tôi cũng chia sẻ và cấu trúc lại khoản vay, miễn, giảm lãi suất cho hàng trăm khách hàng.
Song song với các biện pháp hỗ trợ, chất lượng tín dụng của OCB cũng được kiểm soát chặt, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 2%, trong khi tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 10/2020 đã đạt được gần 20%.

BNEWS: Ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp, có nhiều ý kiến cho rằng khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng, dù nhiều chương trình hấp dẫn đã được triển khai. Bà nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Bà Đào Minh Anh: OCB hay bất kể tổ chức tín dụng nào khi triển khai ưu đãi không có nghĩa là sẽ giảm tiêu chuẩn xét duyệt, giảm chất lượng của khách hàng.

Do đó, những khách hàng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của gói lãi suất ưu đãi chắc chắn không gặp khó khăn nào khi tiếp cận vốn.

Tại OCB, chúng tôi liên tục có các gói ưu đãi cho khách hàng nhưng cái khó ở đây, chính là chúng tôi không tìm được những khách hàng đủ điều kiện để được cấp vốn.

Các điều kiện cơ bản liên quan đến hoạt động kinh doanh, tài chính hoặc các kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của họ không đáp ứng được thì chúng tôi cũng không thể dành cho họ gói ưu đãi.
Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, Chính phủ đã làm rất tốt công tác khống chế dịch, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ngay lập tức ra Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch.

Thông tư ra đời vào thời điểm rất đúng đắn, hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng cũng như khách hàng.
Vừa qua, OCB cũng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tham gia góp ý về việc gia hạn Thông tư 01. Nếu được gia hạn, Thông tư 01 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất nhiều.

Bởi chúng ta trải qua hai đợt dịch, Thông tư 01 hiện mới chỉ hỗ trợ cho những khách hàng chịu ảnh hưởng ở cái giai đoạn đầu, tức từ đầu tháng 3/2020 trở về trước, trong khi dịch COVID-19 đợt 2 đến thời điểm tháng 7 mới xuất hiện trở lại.
Một số sự thay đổi của Thông tư 01 mà Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến của các tổ chức tín dụng và trình lên Chính phủ, theo tôi sẽ hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp.

 

BNEWS: Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi Thông tư 01 hết hiệu lực thì nợ xấu ngân hàng sẽ có nguy cơ tăng cao, thực tế tại OCB ra sao thưa bà?
Bà Đào Minh Anh: Thời điểm hết hiệu lực của Thông tư 01 không hẳn là một lý do mà quan trọng nhất là dịch bệnh khi nào sẽ kết thúc.

Ngay cả khi Thông tư 01 được gia hạn nhưng dịch bệnh tiếp tục phức tạp thì các doanh nghiệp cũng như cá nhân cũng sẽ khó hồi phục, thời gian hồi phục kéo dài hơn và chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tín dụng.
Nợ xấu ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng cao, kéo theo nhu cầu mua bán tài sản đảm bảo gia tăng. Bản thân người dân cũng cẩn trọng hơn trong việc mua bán tài sản nên ngân hàng có muốn phát mãi tài sản cũng rất khó.
Bởi vậy, để xử lý nợ xấu, OCB hướng đến tái cấu trúc cho doanh nghiệp thay vì chỉ đơn thuần phát mãi tài sản.

Chúng tôi đánh giá lại hoạt động kinh doanh của khách hàng, giúp kết nối đầu ra giữa các khách hàng của ngân hàng; hỗ trợ các gói tài chính phù hợp và quản lý chặt mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngân hàng phải sâu sát, chia sẻ với doanh nghiệp, khi hồi phục chắc chắn họ sẽ là khách hàng rất tốt của ngân hàng.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 20%, tiệm cận hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao nhưng tỷ lệ nợ xấu hiện nay tại OCB chỉ gần 2%.

Chúng tôi là một trong 18 ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và cũng nằm trong nhóm những ngân hàng đầu tiên "sạch nợ" VAMC từ năm 2018.
BNEWS: Trước những diễn biến hiện tại, bà nhận định ra sao về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm?
Bà Đào Minh Anh: Trong 9 tháng năm 2020,tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 6,1%, nhưng cả năm theo tôi dự kiến sẽ ở mức khoảng 10%, có nghĩa là tăng trưởng sẽ tập trung vào quý IV này.

Bởi sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 vào tháng 7, doanh nghiệp đã bắt đầu bình tĩnh và hồi phục nên là nhu cầu tín dụng tăng lên.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tôi hi vọng đây sẽ là bàn đạp tốt cho các doanh nghiệp để hồi phục trong năm 2021.

BNEWS: Triển vọng năm 2021 thì sao, thưa bà?
Bà Đào Minh Anh: Năm 2021 chắc chắn vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất ngân hàng có khả năng tiếp tục giảm. Mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, doanh nghiệp Việt không bị ảnh hưởng quá nhiều như các nước khác nhưng sự thông thương với quốc tế bị ảnh hưởng
Với kịch bản dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thương tổn đối với doanh nghiệp Việt cũng sẽ được hạn chế nhưng giao thương quốc tế sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên năm 2021 được dự báo sẽ vô cùng khó khăn đối với cả doanh nghiệp, cá nhân cũng như ngân hàng.
Do đó, doanh nghiệp Việt cần nhận biết được lợi thế của mình và chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu được làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tập trung vào đầu tư các khu công nghiệp. Đấy là những điểm mà tôi nghĩ rằng là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh sắp tới.
Còn với kịch bản dịch COVID-19 quay trở lại thêm lần nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bình tĩnh hơn rất là nhiều.

Nhìn lại thời điểm đầu dịch bệnh xuất hiện, sự phản ứng của dân chúng cũng như doanh nghiệp đã rất quyết liệt.

Đến lần thứ hai, phản ứng bình tĩnh hơn rất nhiều, mỗi cá nhân, doanh nghiệp đều ở một tâm thế rằng chúng ta bắt buộc phải làm việc chứ không thể co cụm mãi.

Do vậy, nếu đợt dịch thứ ba xuất hiện, tôi nghĩ rằng là chúng ta đã quen với việc kinh doanh trong nền kinh tế "bình thường mới".
Kể cả khi dịch bệnh này kết thúc, nó cũng đã làm thay đổi tư duy, thói quen kinh doanh của tất cả các nước chứ không chỉ riêng Việt Nam và bắt buộc chúng ta phải thích nghi với trạng thái mới.
BNEWS: Trân trọng cảm ơn bà!

>>OCB được vinh danh "Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020"


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục