Điểm gì khiến Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa xứng tiềm năng

16:46' - 30/03/2022
BNEWS Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics, gây tốn nhiều thời gian và chi phí.
Ngày 30/3, tại thành phố Cần Thơ, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp cùng các cơ quan ban ngành, hiệp hội tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ logistics" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng nắm bắt xu hướng phát triển thị trường, phương án tiết kiệm chi phí logistics.

 

Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Hàng năm, Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng.

Tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics, gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa, khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.

Vị trí địa lý thuận lợi gồm mạng lưới đường thủy dài và chất lượng cao, có khả năng khai thác vận tải hai tuyến đường thủy huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra-vào sông Hậu,... Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang được quan tâm và đầu tư phát triển hệ thống logistics, phát huy tiềm năng trung tâm đầu mối xuất khẩu hàng hóa và là cửa ngõ tích hợp nhiều dịch vụ cảng biển tiện ích của vùng.

Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển hệ thống logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải những khó khăn như thiếu ngân sách đầu tư, chi phí vận tải của doanh nghiệp cao do còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, hệ thống giao thông cảng, đường bộ còn hạn chế,... Những khó khăn trên đã làm tắc nghẽn chuỗi logistics, dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa,...

"Các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị với Chính phủ cần thiết lập cảng biển khu vực tầm cỡ tại Cần Thơ để tàu có thể tiếp nhận hàng hóa của 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí vận tải hàng", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hiệp hội VASEP) nói.

Với những điểm nghẽn đang tồn tại, các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng để đạt được mục tiêu phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới thì ngành logistics cần xác định trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và nhóm ngành cần được ưu tiên, có vai trò hỗ trợ cho nhóm ngành sản xuất kinh doanh.

Chính vì vậy, rất cần các giải pháp kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực của hệ thống logistics, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Duy Minh, Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đề xuất nên phát triển Hiệp hội logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội sẽ hỗ trợ đề xuất những chính sách, nguồn nhân lực để phát triển logistics, chính sách ưu đãi nhà đầu tư logistics, góp ý cho các cơ quan quản lý địa phương,...

Nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận tải hàng hóa lên thành phố Hồ Chí Minh, ông Duy Minh đề xuất doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên kết nối vận tải hàng không, vận tải hàng hóa trực tiếp từ Cần Thơ đi nước ngoài.

Chủ hàng có thể đề xuất với công ty vận tải hàng không để vận chuyển xuất khẩu thủy sản, trái cây trực tiếp từ sân bay Cần Thơ thay vì sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) để giảm bớt chặng đường trung chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh.

Để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như: vận tải, kho hàng bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu,..).

Dự đoán ngành logistics là ngành hấp dẫn nhất, tiềm năng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, đặc biệt đầu tư hệ thống kho lạnh, hệ thống bến bãi,... vì vậy, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam khuyến nghị chính quyền địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần có chính sách thu hút nhà đầu tư logistics.

Nếu không có hạ tầng tốt, không có điều kiện tốt thì các doanh nghiệp sẽ phải loay hoay về vấn đề kho lạnh, hệ thống bến bãi, các dịch vụ đi kèm không đồng bộ,... chi phí sẽ tăng lên thì năng lực cạnh tranh giảm./.

>>>Cơ sở nào hoàn thiện các quy định pháp luật về logictics?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục