Điểm mặt bốn hạn chế của hệ thống bán lẻ

16:13' - 14/08/2018
BNEWS Hệ thống bán lẻ trong nước hiện nay có 4 hạn chế như: Các nhà bán lẻ thiếu chiến lược phát triển kinh doanh; tính chuyên nghiệp không cao; năng lực tài chính hạn chế; các dịch vụ hậu mãi.

Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cần đầu tư đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, tăng cường liên kết với các sở, ngành để được kịp thời tháo gỡ các khó khăn.

Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và các sở, ngành tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, ngày 14/8.

Hệ thống bán lẻ trong nước hiện nay còn có nhiều hạn chế. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị, Sở Công Thương thành phố phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm triển khai ký kết chương trình hợp tác với Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.

Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện gắn kết với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, chú trọng thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài đối với ngành lương thực - thực phẩm.

Hệ thống bán lẻ trong nước hiện nay có 4 hạn chế như: Các nhà bán lẻ thiếu chiến lược phát triển kinh doanh; tính chuyên nghiệp không cao; năng lực tài chính hạn chế; các dịch vụ hậu mãi.

Vì vậy, cần có sự kết nối, gặp gỡ giữa các nhà bán lẻ với doanh nghiệp lương thực thực phẩm và một số lĩnh vực khác để mở rộng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh, cũng như sản xuất phải gắn liền với phân phối.

Tương tự, về vốn phải tính đến sự liên kết giữa hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn với doanh nghiệp để hỗ trợ về tín dụng hay quỹ bảo trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Thành Phong chỉ rõ.

Báo cáo với đoàn công tác, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, trong những tháng đầu năm 2018, tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu đa phần vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống và thương lái Trung Quốc nên có nhiều biến động thất thường.

Tuy nhiên, đối với thị trường nội địa, doanh nghiệp đã rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối, thực hiện chính sách bình ổn giá, tạo sự an tâm trong người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, cải tiến công nghệ, phát triển sản phẩm, đón đầu xu hướng hội nhập, góp phần rất lớn vào kết quả tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Để thúc đẩy ngành lương thực, thực phẩm phát triển bền vững, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hơn nữa giải pháp hỗ trợ tăng sức mua, khả năng cạnh tranh cho hàng Việt...

Song song đó, cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành thương hiệu bán lẻ mạnh.

Đặc biệt, mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng cửa hàng mới; cũng như tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống chợ truyền thống để các doanh nghiệp bán lẻ nội tăng sức cạnh tranh so với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lương thực, thực phẩm đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại, tăng lợi thế phát triển.

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Tường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho rằng, doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với những nguồn vốn ưu đãi.

Do đó, các sở, ngành thành phố cần đẩy mạnh truyền thông chính sách ưu đãi của Chính phủ nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm, sản xuất chế biến thực phẩm, nông nghiệp... để các đơn vị nắm bắt thông tin và dễ dàng tiếp cận.

Từ đó, doanh nghiệp được tiếp thêm nội lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục