Điểm mấu chốt giúp kinh tế toàn cầu khắc phục hậu quả COVID-19

05:30' - 28/05/2021
BNEWS Các nước giàu ở phương Tây sống trong bầu không khí sôi sục của chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 diện rộng và bắt đầu xuất hiện một số các thách thức đối với việc khôi phục nền kinh tế.

Người dân các nước giàu phương Tây chia thành hai phe, một bên phấn khởi vì chương trình tiêm chủng quốc gia của họ và một bên đang tức giận vì sự chậm trễ của chính phủ. Một bên thấy vui mừng lạc quan, một bên lo ngại về biến chủng mới của virus, nhưng tất cả đều chung cảm nhận là tình trạng tồi tệ nhất của thế giới đối với đại dịch COVID-19 có lẽ gần như đã đi qua.

Bill Elmott, đồng Giám đốc của Ủy ban Toàn cầu về Chính sách hậu Đại dịch, nhận định trên tờ Financial Times ngày 24/5 rằng tuy giai đoạn đen tối nhất của đại dịch toàn cầu gần như đã đi qua song đại dịch vẫn chưa thể đi đến hồi kết tại nhiều nơi ở Nam Bán Cầu.

Điều này có thể thấy qua thảm họa đại dịch tại Ấn Độ hiện nay, số người thiệt mạng tại Mỹ Latinh và tình trạng trỗi dậy trở lại của virus SARS-CoV-2 tại khu vực Đông Nam Á. Những thách thức to lớn đứng về phương diện chính trị do COVID-19 gây ra trên toàn cầu vẫn đang ở phía trước.   

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những bài học của thời kỳ đại suy thoái năm 1930 đã giúp hệ thống ngân hàng được giải cứu và một cuộc đại suy thoái mới đã được ngăn ngừa. Khi đó, sự phối hợp trên toàn cầu là hiệu quả.

Tuy nhiên, đến trung hạn, thế giới lại thất bại trong việc ngăn chặn sự gia tăng bất bình đẳng, thu nhập thực giảm sút và muôn mặt của tâm lý bài ngoại đã dẫn đến xuất hiện chủ nghĩa dân túy, dân tộc chủ nghĩa, Brexit (chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu)... Năm 2020, mối quan hệ giữa các cường quốc với nhau đã trở nên tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.    

Đại dịch COVID-19 khiến người ta nhớ lại thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh trước đây: Việc tăng chi tiêu chính phủ để ứng phó dịch bệnh được đa phần các chính phủ chấp nhận, họ ca ngợi những nỗ lực đóng góp tiền giúp cho những nỗ lực giải cứu tại các nước nghèo trong khi nhiều khả năng các nước giàu sẽ thành công về mặt chiến thuật nhưng thất bại về chiến lược.

Những tranh luận về cái giá phải trả trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Ủy ban Toàn cầu Chính sách hậu Đại dịch đã làm nổi lên 6 điểm chính sau: Thứ nhất, cái giá phải trả về con người và kinh tế của đại dịch là vô cùng to lớn, trong đó đầu tư của nhà nước để trợ giúp cho một số hàng hóa phục vụ toàn xã hội là điều dễ hiểu.

Trường hợp thấy rõ nhất đó là vấn đề sản xuất vaccine. Năng suất sản xuất vaccine còn quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng toàn cầu kịp thời cũng như nhu cầu để tiêm mũi tăng cường và đưa ra thị trường thêm các loại vaccine dưới dạng uống hoặc nhỏ mũi.    

Một số dịch vụ cần nguồn tiền cấp bách từ ngân sách nhà nước đó là tạo ra các phòng thí nghiệm giám sát và các hệ thống phát hiện để đối phó với các loại bệnh dịch truyền nhiễm từ động vật sang người trong tương lai.

Thế giới có rất ít hệ thống phòng ngừa và phát hiện loại này, đặc biệt ở những nơi mà virus lây từ động vật hoang dã sang người dễ xảy ra nhất, được coi là điều hầu như không thể tránh khỏi.    

Điểm thứ hai đó là không nên quá đà trong việc sử dụng ngân sách chính phủ, Ủy ban Toàn cầu Chính sách hậu Đại dịch cho rằng nợ công cao là vấn đề và nguy cơ lạm phát cần phải được đánh giá nhìn nhận thận trọng, kể cả khi lãi suất ở mức thấp.

Vấn đề phục hồi kinh tế không phải chỉ là câu chuyện của năm nay và năm sau mà cần được thúc đẩy vì mục tiêu dài hạn, không được để xảy ra các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mang tính chính trị như đã xảy ra tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hồi năm 2010-2012.   

Thứ ba, đó là các chính phủ không nên quá vội chuyển sang chính sách thắt lưng buộc bụng, họ cần phải có thời gian dịch chuyển từ các hoạt động tiêu dùng và phúc lợi xã hội sang hướng đầu tư nhắm tới tăng trưởng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Các nước cần đẩy nhanh giai đoạn dịch chuyển hướng tới phát triển các công nghệ xanh là một phần quan trọng trong thời kỳ này. Các vấn đề như quy định liên quan đến mức lương tối thiểu và cải cách thể chế lao động cần đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xử lý vấn đề bất bình đẳng hơn là vấn đề chuyển tiền.    

Thứ tư, cần cấp bách chú ý đến vấn đề nợ công tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Đây là những nước bị ảnh hưởng nhiều do nền tảng tài chính công yếu và chậm trễ trong việc tiêm chủng vaccine. Lạm phát tăng phi mã làm tỷ lệ lãi suất tăng cao có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng.

Việc đầu tư vào năng lực sản xuất vaccine cùng việc đẩy mạnh viện trợ vaccine cho các nước nghèo thông qua sáng kiến COVAX cũng là một phần của giải pháp, song thế giới cần có một hiệp định quốc tế về tái cơ cấu nợ giống như Kế hoạch Brady ký hồi đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.   

Thứ năm, những nỗ lực để xây dựng hiệp định hay hợp tác trên các lĩnh vực khác sẽ xác thực mức độ manh mún và trái ngược nhau trong mối quan hệ giữa các cường quốc.

Những kêu gọi hợp tác cần đi xa hơn những gì được thể hiện tại các cuộc họp trực tuyến và cần tập trung rõ ràng vào các vấn đề tiêm vaccine, giám sát, khoản nợ và vấn đề khí hậu. Muốn vậy, cần phải nói về điều này ở mọi nơi có thể và hành động đồng hành cùng các đồng minh ở những nơi cần phải làm.   

Điểm cuối cùng, có thể là quan trọng nhất, đó là thông điệp phải tập trung vào những mối đe dọa trong tương lai như những đại dịch mới, khủng bố sinh học, tấn công mạng và điều quan trọng hơn cả đó là vấn đề khí hậu - tất cả phải bắt đầu từ ngày hôm nay.

Các chính phủ cần đưa việc chuẩn bị vào trọng tâm của kế hoạch an ninh quốc gia, với những ranh giới cần được bảo vệ trong vấn đề ngân sách quốc gia là điều quan trọng. Đã đến lúc thế giới cần chuẩn bị cho những mối nguy cơ tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục