Diện mạo bảng xếp hạng các nền kinh tế toàn cầu hậu COVID-19

06:30' - 05/05/2021
BNEWS Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều quốc gia rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới biến động mạnh.

Trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức vẫn duy trì 4 vị trí hàng đầu trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số thứ hạng đã thay đổi do hậu quả của đại dịch COVID-19. Thậm chí, một quốc gia đã phải rời danh sách top 10, theo phân tích của CNBC dựa trên những dự báo về Tổng sản phẩm quốc nội (tính bằng đồng USD) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chỉ số GDP ghi nhận giá trị thị trường của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được sản xuất tại một nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số này không tính đến thay đổi về lạm phát - và do đó có thể bị phóng đại hoặc hạ thấp so với giá trị kinh tế thực.

Mặc dù vậy, việc định giá GDP theo một đồng tiền chung là cách để đo lường và so sánh quy mô kinh tế của các quốc gia khác nhau, đồng thời cung cấp cái nhìn sơ lược về cách các diễn biến - chẳng hạn như đại dịch - ảnh hưởng đến từng nền kinh tế.

Dưới đây là những thay đổi lớn trong bảng xếp hạng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước và sau khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Ấn Độ tụt hậu so với Vương quốc Anh

Ấn Độ, quốc gia trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2019, đã tụt xuống vị trí thứ 6 sau Vương quốc Anh vào năm 2020. Theo phân tích của CNBC dựa trên những dữ liệu của IMF, nền kinh tế Nam Á này sẽ khó giành lại vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế toàn cầu trước năm 2023. 

Nguyên nhân là do kinh tế Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt phong tỏa xã hội để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2. IMF ước tính nền kinh tế này sẽ suy giảm 8% trong năm tài chính vừa kết thúc vào tháng 3/2021.

Các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Bank of America đã viết trong một báo cáo hôm 19/4, bày tỏ “lo ngại rằng sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 sẽ gây rủi ro cho sự phục hồi vẫn còn chưa chắc chắn”.

Trong khi IMF dự đoán Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5% trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2022), một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo sự gia tăng mới nhất của số ca mắc COVID-19 tại nước này sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng. Ấn Độ tuần trước đã vượt qua Brazil trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế ước tính rằng một tháng đóng cửa trên toàn quốc - nếu được áp đặt lại - sẽ khiến chỉ số GDP của Ấn Độ giảm 100-200 điểm cơ bản.

Brazil rời top 10

Brazil với xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 9 trong năm 2019 đã tụt xuống vị trí thứ 12 vào năm ngoái, trở thành quốc gia duy nhất rớt khỏi Top 10 bảng xếp hạng. Theo dự đoán, quốc gia Nam Mỹ này sẽ ở “vòng ngoài” của 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới ít nhất cho đến năm 2026. 

Đến nay, Brazil đã ghi nhận số người tử vong do virus SARS-CoV-2 cao thứ ba trên thế giới và số người tử vong cao thứ hai trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tổng thống Jair Bolsonaro - người từng coi thường mối đe dọa từ COVID-19 - đã nhiều lần từ chối áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia để ngăn chặn dịch bệnh.

Trong một bức thư gửi lên chính phủ liên bang Brazil, người đứng đầu cơ quan y tế của bang Sao Paulo đã cảnh báo về sự sụp đổ "sắp xảy ra" trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của bang này, trong khi các chuyên gia kinh tế cũng nghi ngờ rằng nền kinh tế Brazil sẽ phải vật lộn để phục hồi.

Kinh tế Brazil đã sụt giảm 4,1% trong năm 2020 và dự báo sẽ tăng trưởng 3,7% vào năm 2021, theo IMF.

Hàn Quốc lọt top 10

Theo phân tích của CNBC, với việc Brazil bị loại khỏi Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ 10 và dự kiến sẽ duy trì ở vị trí này cho đến ít nhất là năm 2026. Dự báo dữ liệu của IMF có giá trị cho đến năm 2026.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia ngoài Trung Quốc sớm nhất báo cáo các trường hợp mắc COVID-19 hồi đầu năm 2020. Quốc gia này đã thành công trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2 vào năm ngoái. Song song với đó, sự khởi sắc trong lĩnh vực xuất khẩu chất bán dẫn mạnh mẽ cũng là yếu tố giúp nền kinh tế “xứ Kim chi” chỉ giảm ở mức khiêm tốn 1% vào năm 2020.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng đang ngày càng trở nên vững tin hơn trước dịch bệnh, một phần nhờ vào sự bùng nổ các dịch vụ mua sắm trực tuyến. Dù vậy, các lĩnh vực như khách sạn và giải trí vẫn còn rất yếu.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng trong tháng này, buộc các nhà chức trách phải mở rộng các biện pháp, bao gồm hạn chế các cuộc tụ tập đông người cho đến đầu tháng 5/2021.

Các chuyên gia kinh tế từ công ty tư vấn Capital Economics cho biết, bất chấp sự không chắc chắn về những diễn biến của đại dịch, các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của nước này vẫn phát triển rất mạnh mẽ.

IMF dự đoán kinh tế Hàn Quốc có thể tăng trưởng 3,6% trong năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục