Điểm mới trong Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019

14:11' - 30/12/2018
BNEWS Luật Thủy sản 2017 sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019 với nhiều điểm mới quan trọng.

Những điểm mới này được đánh giá là “bước ngoặt” đối với ngành thủy sản nước ta, nhằm chuyển hướng từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, phát triển hiệu quả, bền vững.

Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam gỡ “thẻ vàng”.

Tàu cá công suất lớn khai thác đánh bắt xa bờ neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Luật Thủy sản 2017 – “bước ngoặt” mới của ngành thủy sản Việt Nam

Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2017, với những quy định chi tiết hơn và đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt trong điều kiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp nhiều rào cản kỹ thuật, trong đó có thẻ vàng Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo với thủy sản Việt Nam về các quy định IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, theo theo quy định) và những cảnh báo từ nhiều thị trường khác.

Luật Thủy sản 2017 cũng ra đời trong bối cảnh nước ta đang tái cơ cấu quyết liệt trong nông nghiệp, bởi vậy Luật Thủy sản 2017 cũng phù hợp Chính phủ kiến tạo hiện tại với tiêu chí đảm bảo cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Luật Thủy sản 2017 gồm 9 chương, 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản 2003, về cơ bản tên các chương, các điều không thay đổi; một chương mới được bổ sung là chương kiểm ngư.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Luật Thủy sản 2017 là “bước ngoặt” quan trọng chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng bối cảnh các thị trường thế giới đang đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Nhiều điểm mới quan trọng

Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản (Luật 2003 không đề cập vấn đề này).

Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm toàn bộ dữ liệu ngành về nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, tàu cá…Ví dụ đăng ký tàu cá sẽ được thực hiện bằng Sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Tất cả các thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thực hiện theo chủ trương chính phủ điện tử. Các cơ quan hữu quan có thể cập nhật vào cơ sở dữ liệu này để nắm bắt thông tin kịp thời.

Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10) - nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quyền đồng quản lý được quy định rõ gồm hai quyền: một là quyền ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính; hai là quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.

Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản

Nguồn lợi thủy sản là một loại tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản đã được quy định rõ hơn trong Điều 11 và 12 của Luật mới sửa đổi.

Theo đó, Luật đã làm rõ: Căn cứ lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, công bố quy hoạch; Mục đích điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản…

Định kỳ 5 năm thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương

Để phù hợp với luật pháp quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản 2017 đã bổ sung quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn.

Luật có hẳn 2 chương về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá (chương IV và chương V), trong đó tập trung vào 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Nội dung này được đánh giá là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003.

Theo đó, Luật quy định quyền cấp hạn ngạch khai thác về các địa phương. Luật cũng quy định rõ căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, sẽ kiểm tra và giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ngoài khơi theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài của một số loài di cư và loài có tập tính kết đàn tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở hạn ngạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ tổ chức cấp phép hạn ngạch trong phạm vi quản lý.

Các tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững.

Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề, nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.

Quy định về Quản lý tàu cá và quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá

Tàu khai thác đánh bắt thủy sản trên vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Quy định này cũng được đưa ra chi tiết trong Luật Thủy sản 2017, nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này để giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân; thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước hiện nay.

Theo đó, việc quản lý tàu cá cũng thay đổi, chuyển quản lý từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm... Khi đóng mới, cải hoán tàu cá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Luật Thủy sản cũng quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Luật cũng quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá, trong đó, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Luật hoá các nội dung liên quan IUU

Đặc biệt, Luật Thuỷ sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến vấn đề IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định), trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, ngoài việc quản lý khai thác theo hạn ngạch, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng. Như vậy, mức phạt đã được quy định tăng lên gấp 10 lần so với mức phạt tiền như quy định hiện hành.

Luật cũng quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam. Quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, hoặc không có thiết bị giám sát hành trình (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động).

Ngoài ra, Luật cũng quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản.

Cùng với đó, Luật cũng quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục