Điểm nhấn của du lịch xứ Lạng

06:01' - 15/03/2017
BNEWS Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ trở thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Lễ khởi công Dự án Khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Núi Tuyết Mẫu Sơn. Ảnh: Doãn Hoàng Nam - TTXVN

Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn) được tạo nên với hàng trăm ngọn núi lớn, nhỏ, trùng điệp gối đầu nhau trên độ cao hơn 1000m so với mực nước biển. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố độc đáo, khiến Mẫu Sơn kỳ thú như cảnh tiên giữa trần.

Theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt mới đây, đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

* "Điểm nhấn" của du lịch xứ Lạng

Với diện tích hơn 10.000 ha, độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển, khu du lịch Mẫu Sơn bao gồm một quần thể hàng trăm ngọn núi lớn, nhỏ, trong đó có hai điểm cao nhất là Núi Cha (cao 1.541m) và Núi Mẹ (cao 1.520m). Nơi đây có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình khoảng 15ºC và mùa hè mát mẻ, mùa Đông sương mù, băng giá.

Khu vực Mẫu Sơn là nơi đón khối gió mùa Đông Bắc đầu tiên vào Việt Nam, vì vậy mùa đông nơi đây thường xuyên có băng giá, sương mù. Nhưng đây cũng chính là nét đặc trưng hiếm có ở đất nước nhiệt đới, thu hút nhiều du khách. Mẫu Sơn còn có thảm thực vật đa dạng, phong phú với 1.500 ha rừng nguyên sinh còn bảo tồn được nhiều loại thực vật quý hiếm và nhất là có nhiều dòng suối chảy uốn lượn từ đỉnh các ngọn núi xuống chân núi.

Từ lâu người Pháp đã phát hiện ra Mẫu Sơn như một viên ngọc được giấu kín giữa rừng già, cho nên từ những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp đã cho xây những khu biệt thự nghỉ dưỡng và biến đỉnh núi linh thiêng này thành khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng của xứ Lạng.

Sự ưu đãi của khí hậu là điều kiện mang lại cho Mẫu Sơn nhiều giá trị tiềm năng và cũng là “nguồn tài nguyên” vô giá để phát triển du lịch. Mẫu Sơn có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm, như: sâm thổ cao ly, xuyên khung, bạch chỉ... và cây thuốc làm men nấu rượu Mẫu Sơn thơm ngon, nổi tiếng...

Không chỉ có cây thuốc chữa bệnh, nhiều loại cây đặc sản khác ở Mẫu Sơn cũng trở thành “sản phẩm du lịch”, là món quà mà nhiều du khách đã tìm mua khi lên với Mẫu Sơn như mận, đào và đặc biệt là chanh rừng. Đồng bào dân tộc Dao ở hai xã Mẫu Sơn và Công Sơn đã trồng và ngày càng nhân rộng nhiều vườn chanh rừng, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên và đa dạng của các sản vật chỉ riêng có của miền cao phía bắc, Mẫu Sơn còn lôi cuốn du khách bởi sự phong phú của văn hóa các dân tộc sinh sống nơi đây. Những di tích và di chỉ khảo cổ đã chứng minh bề dày lịch sử và sự giao thoa văn hóa ở nơi đây. Đó chính là Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn được Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn phối hợp Viện Khảo cổ đã khai quật và phát hiện vào năm 2003. Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400 m2, nằm ở độ cao 1.190 m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn. Đây là nơi hội tụ khí thiêng trời đất, nằm giữa Núi Cha và Núi Mẹ trên địa bàn thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình.

Đây được coi là trung tâm các hoạt động tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Mẫu Sơn, được xây dựng vào những năm từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Và đây cũng chính là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng... với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc.

Sau khai quật, Khu di tích Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn giữ nguyên hiện trạng và hệ thống di tích này đã mang lại cho Khu du lịch Mẫu Sơn những giá trị mới về lịch sử, tâm linh bên cạnh các giá trị của một danh thắng xứ Lạng.

* Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn

Theo quy hoạch, khu du lịch Mẫu Sơn thuộc địa bàn các xã: Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), Mẫu Sơn và Công Sơn (huyện Cao Lộc). Diện tích vùng lõi tập trung phát triển khu du lịch quốc gia là 1.500 ha (không bao gồm 4 điểm du lịch ở khu vực có đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn xã Xuất Lễ và xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc).

Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ được phát triển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh và văn hóa tộc người. Bên cạnh đó vẫn bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn đến năm 2030 xác định theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư; chú trọng kết nối với các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trong tỉnh và các vùng lân cận để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch.

Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ đáp ứng được các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái.

Cụ thể, đến năm 2025, Khu du lịch Mẫu Sơn đón khoảng 800 nghìn lượt khách, trong đó có trên 35 nghìn lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón trên 1,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 50 nghìn lượt khách quốc tế.

Với thị trường khách nội địa, khu du lịch tập trung khai thác thị trường khách nội tỉnh và khách đến từ Hà Nội, các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, vùng Trung du miền núi phía Bắc; đồng thời cũng ưu tiên khai thác thị trường khách du lịch quốc tế đến từ các cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, Hữu Nghị và cửa khẩu quốc gia Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi (huyện Tràng Định). Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030 đạt trên 3.400 tỉ đồng; tạo việc làm cho trên 4.000 lao động trực tiếp.

Về các sản phẩm du lịch đặc thù, Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, sẽ phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tham quan, khám phá, sinh thái; du lịch vui chơi giải trí và thể thao mạo hiểm; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội truyền thống.

Theo quy hoạch, nhiều giải pháp được đưa ra để thực hiện hiệu quả việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định thương hiệu của khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục