Điểm tựa vững chắc cho hàng Việt

16:17' - 20/04/2020
BNEWS Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, được thúc đẩy bởi tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là điểm tựa vững chắc, nguồn tài nguyên lớn cho doanh nghiệp phát triển.

Đối diện với dịch COVID-19, thêm 1 lần nữa toàn xã hội càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường trong nước. Với quy mô dân số gần 100 triệu người và sự dần trưởng thành lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và được thúc đẩy bởi tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó chính là những điểm tựa vững chắc và là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế trước những thách thức bất khả kháng của ngoại cảnh như thiên tai, dịch bệnh… 

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng công nghệ số, tác động của dịch bệnh và những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đang khiến tình hình đầu tư cùng các dòng chảy về vốn, nguồn nhân lực tại các quốc gia trên toàn cầu đang dần dần đảo chiều.

Thay vì hướng ngoại, chú trọng vào đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng quay trở lại sân nhà, kích cầu tiêu dùng từ người dân và cũng thúc đẩy sản xuất kinh doanh những mặt hàng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và thuộc tính tiêu dùng của người dân địa phương. Đây sẽ là một xu thế lớn ở thời kỳ sau dịch bệnh COVID-19.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thị trường luôn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng như hiện nay và với hơn chục hiệp định thương mại tự do đã, đang và sắp được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu thì đó “là những cơ hội chứ chưa phải là sự đảm bảo chắc chắn để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Muốn bước ra “sân chơi chung của toàn cầu” với đầy cơ hội song hành cùng không ít cạnh tranh và thách thức, việc thực hiện kế sách “bám sâu rễ, bền gốc” ở thị trường trong nước – thị trường Việt Nam là điều rất cần phải được coi trọng, nhất là vào lúc này.   

Theo ông Lộc, hiện nay, các biện pháp của Chính phủ nên nhắm tới mục tiêu là “trợ giúp” doanh nghiệp duy trì hoạt động, hạ giá thành sản phẩm hay cải thiện khả năng thanh toán để “cầm cự” trước tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp. Vài tháng tới đây, khi dịch bệnh kéo dài hơn, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp bị đe dọa, nguy cơ đóng cửa, giải thể tăng lên, thì đó là lúc cần triển khai kịch bản “giải cứu”.

Ông Lộc nhấn mạnh, lúc ấy, trọng tâm là nới lỏng hơn nữa các chính sách tài khóa tiền tệ, đồng thời tăng cường đầu tư và chi tiêu của Nhà nước. Thậm chí, nếu cần thiết, Nhà nước có thể mua lại nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Song song với những nỗ lực của Nhà nước, cũng cần nêu cao tinh thần chung tay, giúp sức của cộng đồng và toàn dân. Theo ông Lộc: “Hơn lúc nào hết, giờ cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì đây chính là hành động thiết thực nhất để hậu thuẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tồn kho hàng hóa. Từ nay tới cuối năm, Chính phủ và các ban, ngành chức năng nên phát động Tháng cao điểm thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” -  điều chúng ta đã làm rất tốt trong nhiều năm trước đây". 

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng nhiều lần khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam luôn phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp thì việc kích cầu tiêu dùng thông qua các cuộc vận động như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”… lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Đây cũng là giải pháp mà Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhằm tăng cường kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam qua các kênh thương mại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống…

Đánh giá về tính hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhận định, chương trình này đã phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Để tiếp nối những thành công và tăng cường tính hiệu quả của Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung cũng cần sự đổi mới cho phong phú, hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp.

Thông qua chương trình, các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục