Điện Biên khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 4

07:18' - 18/08/2018
BNEWS Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, từ 15-17/8, tỉnh Điện Biên đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Tình trạng lũ, lũ quét xuất hiện trên một số sông suối nhỏ và sạt lở đất xảy ra ở một số địa bàn, gây những thiệt hại đối với địa phương.

Nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, tỉnh Điện Biên đang tập trung nhân lực khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến cực đoan trên địa bàn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, rạng sáng ngày 16/8/2018 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện mưa to đến rất to gây sạt lở đất. Ảnh: TTXVN

Huyện Điện Biên là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất khi có 4 ngôi nhà (ở các bản Tâu, Na Hý xã Hua Thanh) bị sạt lở đất, đất sạt vào nhà làm hư hỏng nhà, các công trình phụ, trong đó 2 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Toàn huyện có hơn 17 ha ruộng lúa bị lũ cuốn, cát lấp, sạt lở, mức thiệt hại từ 30 - 70%, chủ yếu xảy ra tại hai xã Thanh Nưa và Hua Thanh; hơn 11 ha lúa ruộng bị đất đá vùi lấp, mức thiệt hại trên 70%, rải rác tại các xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh.

Ngoài ra, gần 10 ha ao nuôi cá, nhiều đàn gia cầm của người dân trên địa bàn cũng bị nước lũ cuốn trôi, sạt lở vùi lấp; đường ống dẫn nước sinh hoạt ở Mường Lói bị hư hại nặng …

Anh Quàng Văn Thương, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Rạng sáng 16/8 mực nước ở hai con suối Me Lẻ, Huổi Co Lót dâng cao đột ngột khiến nhà tôi bị lũ ngập gầm sàn sâu 1 mét, hơn 600m2 ao cá bị nhấn chìm trong nước lũ, gần 100 con gà cũng trôi theo lũ.

Chị Lò Thị Hịa, bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ngậm ngùi kể lại, mưa to xảy ra làm quả đồi sau nhà sạt lở, đổ ập đất xuống, nhà cửa bị hư hỏng, gà vịt, lúa gạo cũng không kịp lấy, ba mẹ con tôi phải chạy khỏi nhà trong đêm mưa vì quá hoảng sợ.

Trong các ngày 16-17/8, tại các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng dân quân tự vệ, công an, bộ đội biên phòng đóng chân trên địa bàn sơ tán người dân, di chuyển nhà cửa, đồ đạc, tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ lụt để giảm thiệt hại, đảm bảo tính mạng của người dân an toàn khi tình huống xấu xảy ra.

Ông Quàng Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Trước tình hình thiên tai, mưa lũ đang diễn ra hết sức phức tạp, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã đã họp khẩn cấp xây dựng bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với tình hình thiên tai; chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động các lực lượng dân quân, công an, thanh niên, bộ đội biên phòng Mường Pồn để tháo dỡ, di dời nhà cửa, tài sản của người dân ra khỏi những địa điểm xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Đồng thời, dữ trự đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm cho những hộ dân bị lũ ống, lũ quét làm hư hại nặng.

Chung tay với bà con cộng đồng các dân tôc trên địa bàn đóng chân, những ngày qua, lực lượng Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng luôn túc trực quân số tại đơn vị và phân công lực lượng bám nắm địa bàn phụ trách để giúp dân thu dọn đồ đạc, nhà cửa, di chuyển tài sản và tham gia ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Pồn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cho biết: Những ngày qua, lực lượng sẵn sàng, cơ động của đơn vị đã trực tiếp bám nắm cơ sở, phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức di dời nhà cửa, tài sản của người dân ra khỏi vùng xung yếu, đến nơi an toàn.

Đơn vị và địa phương luôn chủ động, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác ứng cứu, khắc phục thiên tai; thường xuyên cử lực lượng xuống địa bàn tuyên truyền, vận động giúp dân biết được những dấu hiệu có nguy cơ sạt lở đất để bà con kịp thời báo cáo chính quyền, cho lực lượng biên phòng để có biện pháp sơ tán tài sản, tránh thiệt hại đến mức thấp nhất khi sự cố xảy ra.

Chủ động ứng phó với thiên tai, ngày 16/8, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện yêu cầu ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ trên địa bàn và thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh.

Đồng thời chỉ đạo các địa phương phải kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để cảnh báo người dân chủ động phòng tránh; kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra bảo vệ tại các khu vực xung yếu có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá khi có lũ.

Ban chỉ huy cấp xã huy động lực lượng xung kích, dân quân tự vệ kiểm tra rà soát những vị trí có nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có tình huống xấu xảy ra, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường, báo cáo chính quyền và thông tin đầy đủ để người dân phòng tránh.

Các đơn vị, chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập; phải thông báo kịp thời cho người dân vùng hạ du khi hồ chứa xả lũ, có nguy cơ xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục