Thành lập ba đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão

18:00' - 15/08/2018
BNEWS Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị thành lập 3 đoàn công tác đi chỉ đạo, đôn đốc các địa phương kiểm tra hệ thống đê sông ứng phó với bão và mưa lũ sau bão vào sáng 16/8.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai họp ứng phó với cơn bão số 4 (tên quốc tế là Bebinca). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 chiều 15/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị thành lập 3 đoàn công tác đi chỉ đạo, đôn đốc các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... kiểm tra hệ thống đê sông ứng phó với bão và mưa lũ sau bão vào sáng 16/8.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là cơn bão đặc biệt lớn với hoàn lưu gây mưa trên diện rộng, do vậy cần chủ động thông báo đến các tỉnh trọng điểm ảnh hưởng bởi bão số 4 (từ Quảng Ninh đến Nghệ An) chỉ đạo việc cấm biển (đặc biệt đối với các hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo). Bộ Tư lệnh Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Cục kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của tàu thuyền, nuôi trồng thủy, hải sản trên biển nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân.

Bên cạnh đó, các địa phương đặc biệt chú ý đến các thiết chế hạ tầng (nhà cửa, điện, đường, trường, trạm...), các dự án lớn đang thi công; tổ chức chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển.

Các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ, có giải pháp an toàn, cần thiết phải hạ thấp mực nước; tiêu nước đệm trên các hệ thống thủy nông, chủ động vận hành các trạm bơm tiêu để không bị động, gây ngập úng khi có mưa lũ lớn. Các tỉnh vùng núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ chủ động các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương kiểm tra chặt chẽ hệ thống đê, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu. Đối với các hồ chứa thủy điện và thủy lợi cần phân công lực lượng, vận hành túc trực thường xuyên 24/24; kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; trong đó đặc biệt bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 4, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, sát thực tế phục vụ công tác chỉ đạo, tuyên truyền ứng phó với bão.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương, các đài địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn diện rộng đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, chủ động đề xuất các phương án, biện pháp xử lý đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, 14 giờ 30 ngày 15/8, không có tàu nào hoạt động ở khu vực nguy hiểm được xác định do ảnh hưởng của bão.

Tính đến 11 giờ ngày 15/8, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 36.314 phương tiện/137.774 người; 11.378 lồng bè, lều, chòi canh/14.706 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Hiện, 5.347 phương tiện/29.320 người đang hoạt động trên biển và 30.967 phương tiện/108.454 người neo đậu tại bến (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình).

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện có 101 chứa lớn và 1.945 hồ chứa nhỏ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã đầy nước; 234 hồ chứa xung yếu. Đoàn công tác của Tổng cục đang đi kiểm tra tình hình hồ chứa tại các địa phương để đảm bảo an toàn trong công tác vận hành, ứng phó với bão và mưa lũ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục