Diễn biến mới có thể đẩy Boeing lún sâu hơn vào khủng hoảng

08:23' - 02/07/2024
BNEWS Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến đưa ra thỏa thuận nhận tội cho Boeing, trong đó có phạt tài chính và thành lập một cơ quan giám sát độc lập để kiểm tra các hoạt động tuân thủ và an toàn của Boeing trong ba năm.

Theo các nguồn thạo tin, Bộ Tư pháp Mỹ đang hối thúc công ty sản xuất máy bay Boeing chấp nhận thỏa thuận giải quyết cáo buộc gian lận liên quan đến hai vụ tai nạn nghiêm trọng hồi năm 2018 và 2019, hoặc phải đối mặt với tòa án.

 

Theo các nguồn tin, Bộ Tư pháp Mỹ dự kiến đưa ra thỏa thuận nhận tội cho Boeing vào cuối ngày, trong đó có phạt tài chính và thành lập một cơ quan giám sát độc lập để kiểm tra các hoạt động tuân thủ và an toàn của Boeing trong ba năm.

Các quan chức bộ này sẽ cho Boeing thời hạn đến cuối tuần này để phản hồi về đề xuất trên. Nếu Boeing từ chối nhận tội, các công tố viên sẽ đưa vụ việc ra tòa án. Hiện cả Boeing và Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận trước thông tin trên.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Boeing gian lận sau khi phát hiện doanh nghiệp này vi phạm thỏa thuận năm 2021 nhằm giúp Boeing tránh bị truy tố liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX khiến hơn 300 người thiệt mạng trong hai năm 2018 và 2019.

Quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ có thể khiến cuộc khủng hoảng đang diễn ra đối với Boeing trở nên nghiêm trọng hơn, nguy cơ phải chịu thêm nhiều thiệt hại về tài chính và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ.

Trước đó, tổ chức đánh giá tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings đã hạ dự báo triển vọng dòng tiền tự do (free cash flow - là phần lợi nhuận còn lại khi đã khấu trừ hết các khoản chi phí không dùng tiền) và số lượng máy bay được giao trong năm 2024 của Boeing, sau khi nhà sản xuất máy bay này liên tục gặp rắc rối với những sự cố về an toàn bay và các yêu cầu tạm hoãn giao hàng từ phía người mua.

Fitch cho biết dự báo giao hàng của Boeing bị ảnh hưởng bởi quyết định hạn chế việc giao nhận một số mẫu máy bay nhất định cho các khách hàng Trung Quốc từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), trong khi cơ quan này tiến hành đánh giá định kỳ về pin liên quan đến thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) của Boeing.

Bên cạnh đó, theo Fitch, triển vọng giao hàng còn bị ảnh hưởng bởi cuộc quyết định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), yêu cầu duy trì sự giám sát trong các nhà máy của Boeing, đồng thời phải thực hiện chứng nhận riêng cho từng máy bay mới được sản xuất ra.

Boeing hiện có xếp hạng triển vọng tín nhiệm “BBB-”, chỉ cao hơn một bậc so với trạng thái "rác" - mức không khuyến khích đầu tư. Ngoài Fitch một số cơ quan đánh giá tín nhiệm khác cũng đã hạ bậc xếp hạng của Boeing do sản lượng giao hàng của loại máy bay Boeing 737 MAX đôi khi giảm xuống một con số trong những tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, Giám đốc Tài chính của Boeing, Brian West, cho hay chi phí hoạt động của doanh nghiệp này sẽ tăng mạnh trong năm nay khi vẫn đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất.

Giám đốc tài chính Brian West cho biết dòng tiền tự do cả năm của Boeing dự kiến sẽ âm, đảo ngược so với triển vọng tạo ra dòng tiền dương ở mức thấp một chữ số được đưa ra vào tháng Ba.

Các nhận xét này càng làm trầm trọng thêm vấn đề của công ty, khi những thách thức trong sản xuất và việc giao hàng sang Trung Quốc bị trì hoãn làm suy yếu triển vọng vốn đã khiêm tốn của Boeing cho năm 2024.

Hoạt động sản xuất máy bay phản lực của Boeing đã chậm lại đáng kể trước sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, hãng hàng không và giới lập pháp sau một loạt sự cố kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới Avia Solutions mới đây cảnh báo các khách hàng có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng hủy chuyến vào mùa Hè này do khủng hoảng an toàn tại Boeing khiến các hãng hàng không phải vật lộn để đảm bảo đủ máy bay.

Theo Avia, các hãng hàng không châu Âu có khả năng sẽ phải cắt giảm lịch trình bay trong những tháng tới.

Nguyên nhân gây ra tình trạng hủy chuyến được cho là do việc bàn giao máy bay cho các hãng hàng không bị chậm trễ sau sự cố liên quan tới tấm cửa sổ và một mảnh thân trên máy bay của Boeing làm dấy lên lo ngại về an toàn và gây ra chậm trễ sản xuất trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hậu đại dịch COVID-19.

Ông Gediminas Ziemelis, Chủ tịch Avia có trụ sở tại Dublin, cho biết thị trường đang chứng kiến nhu cầu cao vượt trội. Lần gần nhất xảy ra tình trạng tương tự như vậy là khi lưu lượng hành khách phục hồi sau sự kiện 11/9. Các hãng hàng không đang rất cần máy bay do các vấn đề sản xuất nhưng nguồn cung đã cạn kiệt.

Boeing đã báo lỗ 343 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2024, phản ánh những rắc rối về an toàn gần đây khiến việc sản xuất và giao hàng bị chậm lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục