Diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại WB

13:33' - 12/08/2016
BNEWS Nhân viên Ngân hàng Thế giới (WB) đồng loạt lên tiếng về việc lựa chọn vị trí Chủ tịch, vì cho rằng WB đối mặt với "một cuộc khủng hoảng lãnh đạo" và có nguy cơ lỗi thời.
Diễn biến mới nhất về cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại WB. Ảnh: madote.com

Phản ứng trên được nêu trong một lá thư ngỏ của Hiệp hội nhân viên WB, đại diện cho hơn 15.000 người, được công bố khi các cuộc họp bàn không chính thức nhằm chọn lựa người lãnh đạo tiếp theo của WB đã được khởi động.

Theo nội dung lá thư, các cuộc khảo sát nhân viên nội bộ hàng năm cho thấy WB đang trải qua "một cuộc khủng hoảng lãnh đạo", với chỉ 1/3 số nhân viên hiểu đường hướng mà ban lãnh đạo cấp cao đang dẫn dắt và thậm chí một số ít hơn tin rằng các nhà quản lý đang tạo ra một văn hóa mở và tin cậy.

Lá thư kêu gọi một quy trình tuyển chọn cân nhắc cả nam giới và phụ nữ trên cơ sở tiêu chí rõ ràng theo một cách minh bạch. Lá thư nói nếu không thay đổi luật, WB sẽ đi đến chỗ lỗi thời trên phạm vi toàn cầu.

Nội dung lá thư đề cập đến việc WB luôn đề cao các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch, đa dạng, cạnh tranh quốc tế và chọn lựa dựa trên phẩm chất, nhưng những nguyên tắc này lại không được áp dụng để chọn lựa các đời Chủ tịch WB trước, thay vào đó là những thỏa thuận bí mật, với 12 lần liên tiếp chọn một nam giới người Mỹ lên đứng đầu thể chế tài chính này.

Phản ứng về lá thư, WB cho biết Ban giám đốc, đại diện cho 189 nước thành viên, vào năm 2011 đã thông qua các điều luật nhằm đảm bảo một tiến trình bầu chọn mở và dựa trên năng lực, và những nguyên tắc này đã được áp dụng trong cuộc bầu chọn Chủ tịch năm 2012 và sẽ xuyên suốt quá trình lựa chọn nhân vật kế cận sắp tới.

Jim Yong Kim, đương kim Chủ tịch WB, sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong vòng chưa đầy một năm, chưa tuyên bố chính thức việc ông có mong muốn tiếp tục giữ trọng trách này hay không. Kể từ khi giữ chức Chủ tịch WB năm 2012, ông Kim đã tiến hành một cuộc cải cách cấu trúc lớn khiến cho một số nhân viên cảm thấy lo ngại.

Theo một điều luật bất thành văn, các chính phủ châu Âu lựa chọn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Mỹ quyết định về người đứng đầu WB. Chủ tịch Jim Yong Kim là người được Mỹ, quốc gia đóng góp lớn nhất cho WB, lựa chọn. Ngân hàng này cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhân vật ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục