WB: Triển vọng thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lớn

14:50' - 04/08/2016
BNEWS Thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn vào thị trường bán lẻ trong tương lai.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cấp cao của WB. Ảnh: WB

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 xuống chỉ còn 6%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Đây là lần thứ hai trong năm nay WB điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cấp cao của WB để làm rõ về dự báo trên, đồng thời tìm ra các hướng đi tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế Việt Nam.

BNEWS: Nhận định mới đây nhất của WB cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 có thể đạt khoảng 6% do sự suy giảm trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng sẽ được bù đắp bởi sự tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ. Xin ông cho biết cụ thể hơn về nhận định này?

Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt: Sau khi tăng trưởng mạnh vào năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng chậm lại trong sáu tháng đầu năm 2016 khi GDP chỉ tăng có 5,5%, thấp hơn so với mức dự báo trước đó của WB. Đây là nguyên nhân chính khiến WB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 xuống chỉ còn 6% (từ mức 6,2% trước đó).

Đi sâu hơn vào thực trạng kinh tế thì hai yếu tố chính khiến GDP của Việt Nam tăng chậm lại trong thời gian qua là sự suy giảm của ngành nông nghiệp do tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như một vài vùng miền khác.

Nhân tố thứ hai là tăng trưởng ngành công nghiệp cũng chậm lại do giá hàng hóa giảm ảnh hưởng tới sản lượng dầu và cầu quốc tế cũng suy giảm, do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn, kể cả những bạn hàng chính như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang gặp khó khăn nhất định.

Nếu các nền kinh tế này tiếp tục suy yếu, đặc biệt là sau sự kiện Brexit, cũng sẽ khiến triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống. Hiện thị trường EU chiếm đến 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng bên cạnh ngành nông nghiệp và công nghiệp gặp khó khăn thì lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang ghi nhận con số tăng trưởng rất tốt, khoảng 8% nhờ tiêu dùng nội địa mạnh với một môi trường lạm phát thấp trong khi thu nhập và lương thưởng cũng được cải thiện.

Cùng với đó, ngành xây dựng cũng phát triển tích cực nhờ tăng trưởng tín dụng và thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng” lên. Tuy nhiên, nếu đem so sánh con số tăng trưởng GDP của năm ngoái là 6,7% với mức dự báo năm nay là 6% thì có thể thấy rằng diễn biến tích cực của các ngành bán lẻ và xây dựng là chưa đủ để bù đắp cho sự suy giảm của ngành nông nghiệp và công nghiệp.

BNEWS: Ông đánh giá triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới ra sao cũng như Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy khu vực này phát triển ? Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, ông đánh giá ra sao về xu hướng này?

Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt: Như tôi đã nói ở trên, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam hiện đang tăng tốc giữa bối cảnh nhu cầu nội địa và tiêu dùng tiếp tục đà khởi sắc từ năm ngoái. Xu hướng đi lên của lĩnh vực bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn và ước tính thị trường này sẽ tăng trưởng khoảng 8-9% trong năm 2016.

Về trung hạn, triển vọng của ngành bán lẻ vẫn rất lớn vì ngành này đang trong quá trình tăng trưởng nhanh. Với nhu cầu tiêu thụ cao từ tầng lớp trung lưu đang nổi lên thì rất cần thu hút nguồn vốn đầu tư nội địa và nước ngoài. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, các trung tâm mua sắm đang xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Điều này sẽ giúp làm tăng tính cạnh tranh, mang lại một mặt bằng giá cả hợp lý hơn, và đa dạng hóa hàng hóa và dịch vụ, từ đó khuyến khích người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu. Vì vậy, tôi đánh giá việc thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới là một tín hiệu tốt và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn vào thị trường bán lẻ trong tương lai.

Cũng như ở các nước khác, có những quan ngại cho rằng sự đổ bộ của tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ giành hết “đất sống” của các doanh nghiệp nhỏ lẻ Việt Nam, tôi cho rằng điều này không hoàn toàn đúng nếu những doanh nghiệp Việt Nam biết giữ thị phần của mình bằng cách tập trung tạo ra những sản phẩm khác biệt hoặc có chất lượng cao hơn.

BNEWS: Trong 6 tháng đầu năm, khu vực nông nghiệp có sự giảm sút trong khi khu vực này vốn là thế mạnh đóng góp tăng trưởng của Việt Nam. Xin ông cho biết, làm thế nào để khu vực nông nghiệp khắc phục sự suy giảm này? Hiện đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn rất thấp, theo ông đâu là lý do dẫn đến tình trạng này?

Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt: Nông nghiệp sẽ vẫn là một khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam, kể cả về sản lượng và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nông nghiệp đã giảm so với các khu vực khác trong những năm gần đây, bởi tốc độ tăng trưởng thấp hơn công nghiệp và dịch vụ. Hiện nông nghiệp đóng góp khoảng 15% vào tăng trưởng GDP của đất nước. Đồng thời, khoảng 50% lực lượng lao động đang làm trong khu vực nông nghiệp.

Mặc dù vậy, các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng như cà phê, gạo hay hạt tiêu đen vẫn có những lợi thế nhất định. Hiện năng suất lao động ngành nông nghiệp của Việt Nam đang thấp nhiều hơn so với các quốc gia khác trong khu vực như Bangladesh hay Thái Lan.

Do đó để khắc phục tình trạng suy giảm của ngành nông nghiệp và tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, chìa khóa đầu tiên theo tôi là cải thiện năng suất lao động. Ngoài ra, vì quỹ đất là cố định nên Việt Nam cần cải tiến sản xuất để cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn, đa dạng hóa các loại cây trồng, đồng thời xây dựng sự liên kết chuỗi giá trị sản phẩm bằng cách tăng cường kết nối giữa người nông dân với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiếp thị các sản phẩm lương thực.

Hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại hạn chế về mặt hành chính đối với việc sử dụng đất nông nghiệp. Ví dụ, đối với những mảnh đất được quy định để trồng lúa thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng cho mục đích khác có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn rất khó khăn.

Những hạn chế kể trên là một số trong những nguyên nhân chính khiến ngành nông nghiệp Việt Nam chưa thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Rõ ràng, một quyết định đầu tư sẽ chỉ được thực hiện khi nó mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư. Do đó, việc tháo gỡ những nút thắt này sẽ giúp người nông dân phản ứng tốt hơn với xu hướng thị trường đồng thời cải thiện tính hiệu quả và năng suất lao động toàn ngành.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thực hiện cơ chế khuyến khích tích tụ đất đai, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, đồng thời giành lấy lợi thế hiệu quả kinh tế nhờ quy mô (Economies of scale). Làm được những điều này, đầu tư nước ngoài sẽ tự tìm đến khu vực nông nghiệp của Việt Nam.

BNEWS: Một trong những gợi ý được WB đưa ra là để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu để tăng năng suất lao động. Vậy theo ông, giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đề ra?

Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt: Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc tăng cường cải cách khu vực DNNN bằng việc mở rộng quy mô cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng một vấn đề quan trọng là cần đặt cả các mục tiêu về chất lượng ngoài các mục tiêu về số lượng cổ phần hóa.

Điều này có nghĩa là mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như cho phép các nhà đầu tư chiến lược được nắm giữ tỷ lệ đáng kể trong các doanh nghiệp. Điều này góp phần đem lại nhiều ích lợi, ví dụ như tận dụng được kỹ năng quản lý của tư nhân.

Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp không tham gia cổ phần hóa, cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, để thị trường tạo sức ép cải cách để các doanh nghiệp này hiệu quả hơn. Điều này giúp giảm gánh nặng về tài chính của DNNN đối với Chính phủ.

Ngoài lĩnh vực DNNN,Việt Nam cũng đang rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển khu vực tư nhân. Chính phủ khi ban hành Nghị quyết 35 cho thấy quyết tâm cao trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Những biện pháp này tập trung vào giảm thiểu thủ tục phiền hà trong công tác đóng thuế và cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp, cải thiện quyền tiếp cận đối với các thị trường vốn, đất đai để xây dựng trụ sở cũng như các khía cạnh khác để cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào cần thiết với mức giá không vượt quá khả năng chi trả.

Cuối cùng, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng rất quan trọng. Mặc dù trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã rất ưu tiên phát triển hạ tầng song với một nền kinh tế ngày càng mở rộng thì nhu cầu sử dụng mạng lưới giao thông, đường sắt hay các dịch vụ hậu cần khác sẽ tăng cao.

BNEWS: Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do đem lại. Xin ông cho biết, Việt Nam sẽ gặp những thách thức và cần thực hiện những giải pháp gì để tận dụng tốt đa các cơ hội này?

Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt: So với các quốc gia thành viên TPP khác, Việt Nam có lợi thế lớn đặc thù, đặc biệt trong những ngành nghề sử dụng nhiều lao động vì sở hữu lực lượng lao động trẻ dồi dào với tay nghề cao, trong khi mức lương trung bình khá cạnh tranh. Do đó tôi rất tin tưởng vào triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam khi TPP chính thức được thực hiện.

TPP sẽ mở ra cánh cửa hội nhập cho kinh tế của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt phải kể đến xuất khẩu dệt may sang các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật Bản sẽ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động giao thương và đầu tư vốn đang diễn ra rất mạnh mẽ cùng các lợi ích kinh tế khác.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành dệt may đó là khâu nguyên phụ liệu khi nguồn cung trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất và ngành dệt may Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc…, những quốc gia không tham gia TPP.

Nếu như không thực hiện cải cách để giải quyết thách thức này, mà cụ thể là tìm nguồn nhập khẩu khác từ trong nội khối TPP hay xây dựng một chuỗi liên kết theo chiều dọc, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không đáp ứng được“quy tắc xuất xứ” của TPP và không thể tận dụng triệt để lợi thế về thuế suất mà hiệp định này mang lại.

Ngoài ra còn những thách thức khác bao gồm việc thực hiện các cam kết TPP liên quan đến tiêu chuẩn về lao động, và các tiêu chuẩn về môi trường, mua sắm đấu thầu công hay cải cách DNNN. Tuy nhiên, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rất rõ những thách thức này và đang lên kế hoạch ứng phó để chuẩn bị tốt cho nền kinh tế khi mở ra cánh cửa hội nhập cùng với TPP.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục