Điện lực Lạng Sơn đầu tư, sửa chữa lớn nhằm giảm tổn thất điện năng

10:16' - 21/01/2021
BNEWS Các trạm biến áp còn tổn thất cao trên 9% thì thời gian cụ thể nào giảm xuống được 8%, tượng tự với chỉ tiêu và thời gian với các trạm biến áp trên 8%, trên 7%...

Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Lê Minh Tuấn, Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) là 1 trong 5 đơn vị có tổn thất cao nhất EVN nên cần phải tập trung quyết liệt để nhanh chóng giảm tỷ lệ tổn thất. Đây là mục tiêu lớn của PC Lạng Sơn trong năm 2021.

Đơn vị cần phải áp dụng các giải pháp hết sức cụ thể, hiệu quả, thiết thực trong quản trị điều hành, quản lý kỹ thuật cũng như đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn để thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu giảm tổn thất mà Tổng công ty yêu cầu. 

Cụ thể, ông Lê Minh Tuấn cho rằng, PC Lạng Sơn cân nhắc khi xây dựng giải pháp thực hiện giảm tổn thất như: đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư; làm việc với các Công ty thủy điện để điều tiết thời gian phát điện; cần phân loại các đơn vị có tổn thất cao theo từng mức, phân chia cụ thể và đề ra tiến độ cụ thể để hạ tổn thất cho từng khu vực.

Ví dụ, các trạm biến áp còn tổn thất cao trên 9% thì thời gian cụ thể nào giảm xuống được 8%, tượng tự với chỉ tiêu và thời gian cụ thể để hạ tổn thất đối với các trạm biến áp trên 8%, trên 7%... Các giải pháp nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian cắt điện,... cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ tổn thất cho công ty.

Ngoài ra, các điện lực thuộc công ty cần thường xuyên trao đổi với nhau tại các hội nghị chuyên đề để cùng đưa ra những bài học chung, rút ra kinh nghiệm để khắc phục, tránh tình trạng làm tràn làn, nếu sai, chưa phù hợp sẽ khó xử lý.

Theo báo cáo của PC Lạng Sơn, với đặc điểm là một tỉnh miền núi Đông Bắc bộ nước ta với 80% diện tích là địa hình đồi núi, chỉ có khoảng 238.000 khách hàng mua điện của Công ty Điện lực Lạng Sơn, sản lượng điện thương phẩm năm 2020 của công ty đạt 750 triệu kWh, thuộc các đơn vị có sản lượng thấp nhất trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Dù vậy, PC Lạng Sơn luôn phấn đấu để thực hiện tất cả tiêu chí trong kinh doanh dịch vụ khách hàng, quản lý kỹ thuật vận hành, đầu tư xây dựng và các mặt khác trong quản trị điều hành nhằm đảm bảo cung ứng điện cho nhân dân trên địa bàn.

Nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và đầu tư đưa điện về nông thôn, kết thúc năm 2020, PC Lạng Sơn đã tham mưu, phối hợp cùng UBND các huyện triển khai nâng cấp cải tạo lưới điện nông thôn bằng các nguồn vốn khác nhau. Trong năm, công ty đã tập trung sửa chữa cải tạo được 415,34km trên địa bàn các xã, góp phần về đích 13 xã điểm nông thôn mới 2020 của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, 100% số xã có điện với 98,53% số hộ dân có điện; trong đó, số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia là 98,07 %. Hiện nay còn 32 thôn bản với 1.580 hộ chưa có điện lưới quốc gia, các thôn trên đều đã nằm trong dự án 2081 cấp điện cho các thôn bản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn (đang đợi nguồn vốn của Chính phủ phân bổ tiếp để thực hiện).

Theo Giám đốc PC Lạng Sơn - ông Nguyễn Ngọc Minh, năm 2020, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã tiếp nhận và giải quyết cấp điện mới cho 8.126 khách hàng. Chỉ số tiếp cận điện năng của công ty thực hiện 3,9/5 ngày, giảm được 1,1 ngày so kế hoạch năm và 3,1 ngày so với kế hoạch 5 năm.

Chỉ số tiếp cận điện năm thực hiện các năm giai đoạn 2016-2020: giảm được 4,1 ngày; Năm 2016 thực hiện 8 ngày; Năm 2020 thực hiện còn 3,9 ngày. 14 chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt kế hoạch.

Năm 2020, cùng với toàn ngành, công ty đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ giảm giá tiền điện cho khách hàng sử dụng điện do ảnh hưởng do COVID, đảm bảo lập hóa đơn hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời đầy đủ đảm bảo quyền lợi cho các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện. 

Trong năm 2021 và giai đoạn các năm tới, các đơn vị thuộc PC Lạng Sơn sẽ cập nhật và vận hành các phần mềm dùng chung trong toàn EVN để phát huy hiệu quả trong quản trị điều hành; từng điện lực, từng phòng trong công ty phải cùng nhau bàn thảo để xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn, hợp nhất để cùng khai thác có hiệu quả thông tin, làm cơ sở để chuyển đổi số thành công trong toàn ngành.

Về quản lý vận hành, điện lực Lạng Sơn sẽ phân tích, minh chứng về khả năng hạ tỷ lệ tổn thất cho công ty khi đưa vào vận hành trạm biến áp 220 kV Lạng Sơn, 110 kV Cao Lộc.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục