Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp tại tỉnh Nam Định đến năm 2020

06:30' - 20/06/2020
BNEWS Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020.

Cụ thể, diện tích Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông giảm từ 600 ha xuống 550 ha. Khu Công nghiệp Bảo Minh mở rộng với diện tích 50 ha tại các xã Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái, huyện Vụ Bản; Khu Công nghiệp Hồng Tiến mở rộng 114 ha tại các xã Yên Hồng, Yên Bằng, Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được đưa vào Quy hoạch phát triển các Khu Công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Khu Công nghiệp Hồng Tiến với diện tích 150 ha tại các xã Yên Hồng, Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được đưa ra khỏi Quy hoạch phát triển các Khu Công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Nam Định nằm trong Quy hoạch phát triển các Khu Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2343/TTg-KTN ngày 24/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác về số liệu báo cáo, quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp; đảm bảo việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Tỉnh Nam Định cập nhật các khu công nghiệp bổ sung mới vào Danh mục công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, UNBD tỉnh Nam Định giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo diện tích đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp được sử dụng đúng mục đích. Việc xây dựng nhà ở công nhân và người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong Khu Công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp.

Ngoài ra, UNBD tỉnh Nam Định đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại chưa lấp đầy; giám sát và có giải pháp đẩy nhanh đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông; xây dựng định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp thuận lợi cho việc phát triển, tăng cường các liên kết sản xuất; triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn, tránh không phát triển được một số khu công nghiệp đã có trong quy hoạch như thời gian vừa qua.

UBND tỉnh Nam Định thực hiện lựa chọn, thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm để đầu tư Khu Công nghiệp Bảo Minh mở rộng, Khu Công nghiệp Hồng Tiến và quy hoạch khu đô thị dịch vụ gắn với Khu Công nghiệp Hồng Tiến theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan có liên quan và nhà đầu tư cụ thể hóa phương án đền bù giải phóng mặt bằng, kết nối hạ tầng, phương án cung cấp nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng điện nước và các yếu tố cần thiết khác để đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội của các khu công nghiệp trong quá trình lập dự án và lựa chọn nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục