Điều chỉnh giá viện phí đối với người không có bảo hiểm y tế: Bài 2 - Lợi ích của BHYT

13:20' - 28/04/2017
BNEWS Người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn về cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã, phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh.
Cac quy định mới của bảo hiểm y tế mang lại nhiều thuận tiện hơn cho người dân. Ảnh: TTXVN

Việc điều chỉnh giá viện phí đối với người không có bảo hiểm y tế sẽ chính thức được các cơ sở y tế công lập áp dụng từ ngày 1/6/2017.

Như vậy, người không có thẻ bảo hiểm y tế phải tự chi trả hoàn toàn đối với hơn 1.900 dịch vụ y tế. Việc tăng giá này sẽ khiến người dân nhận thức rõ hơn được tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm y tế.

Lợi ích thiết thực của bảo hiểm y tế

Tùy theo từng đối tượng mà quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100%, 95% hoặc 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế có một số quy định tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Cụ thể như: Tăng mức hưởng của một số nhóm đối tượng như người nghèo từ 95% lên 100%, cận nghèo từ 80 lên 95%; được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng như trong trường hợp khám bệnh đúng tuyến.

Người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến huyện được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng từ ngày 1/1/2016.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Từ năm 2015, chính sách bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện với nhiều điểm mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Những quy định mới trong chính sách bảo hiểm y tế đã có tác động sâu sắc đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân như: Quy định bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc; bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình; quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Trong đó, qui định về thông tuyến có ý nghĩa quan trọng thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau trong tổ chức cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Thông tuyến được xem là một trong những cách thức đảm bảo tốt hơn quyền lựa chọn cơ sở y tế của người tham gia bảo hiểm y tế dựa trên nhu cầu và niềm tin về chất lượng.

Theo đó, người có thẻ bảo hiểm y tế có nhiều sự lựa chọn hơn về cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã, phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh. Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế do giảm thiểu những thủ tục hành chính, những phiền hà mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Với người thường xuyên đi công tác, làm việc xa nơi cư trú cũng dễ dàng tiếp cận cơ sở y tế và được đảm bảo quyền lợi khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Đặc biệt, cơ chế thông tuyến đòi hỏi mỗi cơ sở khám chữa bệnh phải chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ về phạm vi chuyên môn kỹ thuật, tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ; tạo sự “cạnh tranh lành mạnh” giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Việc áp dụng cơ chế này cũng góp phần vào việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế.

Việc mở rộng thông tuyến được thực hiện theo lộ trình, bắt đầu từ tuyến huyện (2016) đến tuyến tỉnh (2021) là phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ.

Trên 12.000 cơ sở thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy: Hiện nay, việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện tại trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh thuộc tất cả các tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm cả cơ sở y tế công lập và tư nhân, gồm: 70 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, 572 cơ sở y tế tuyến tỉnh, 1.195 cơ sở y tế tuyến huyện, 257 y tế cơ quan và 9.887 trạm y tế xã.

Nhờ vậy, năm 2015 có 130 triệu lượt người tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tần suất khám chữa bệnh trung bình là 1,85 lần/người/năm. Năm 2016, có 148 triệu lượt người; tần suất khám chữa bệnh trung bình là 1,89 lần/người/năm. Tần suất này phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã cấp 10.074.882 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng này trong năm 2016.

Đặc biệt, trong nhiều năm (từ năm 2009 đến năm 2015), quỹ bảo hiểm y tế luôn có kết dư. Riêng năm 2016, số thu bảo hiểm y tế cho khám chữa bệnh ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng).

Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong khám chữa bệnh, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến.

Mặc dù số chi bảo hiểm y tế cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ bảo hiểm y tế dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. Như vậy, quỹ bảo hiểm y tế vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

>>> Điều chỉnh giá viện phí đối với người không có bảo hiểm y tế. Bài 1: Tạo sự bình đẳng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục